Bớt trung gian, thu gọn đầu mối
Tinh giản, tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả được coi là “một cuộc cách mạng” đòi hỏi rất nhiều quyết tâm và nỗ lực. Nói như ông Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An thì đây là vấn đề hết sức phức tạp, “mới làm đề án thôi đã tính đề xuất nọ kia, ở dưới đã có hiện tượng người ta chạy rồi”. Nhưng, khó mấy cũng phải làm.
Tranh minh họa.
Trong nỗ lực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tuần qua Bộ Công an đã chính thức công bố kế hoạch cắt giảm 6 Tổng cục, gần 60 đơn vị cấp cục. Ở cấp địa phương, 20 sở cảnh sát PCCC sau một thời gian thành lập, nay cũng được sáp nhập vào công an tỉnh, thành phố. Đây quả là “một cuộc cách mạng” theo hướng bớt cấp trung gian, thu gọn đầu mối. Ở một góc khác, nhiều địa phương cũng nỗ lực chuẩn bị thực hiện sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp huyện, xã với mong muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.
Cấp bách sắp xếp bộ máy
Sáp nhập để tinh giảm biên chế, gọn bộ máy nâng cao hiệu lực hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước đó là những nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị. Thực hiện chủ trương này, Bộ Nội vụ đã và đang hoàn thiện đề án tổng thể sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã từ nay đến năm 2021.
Việc sáp nhập sẽ tiến hành chủ yếu trong 2 năm 2019 và 2020. Theo đó, năm 2019 sẽ thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đạt 50% của 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và dân số. Tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính. Rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức chính quyền địa phương liên quan đến đơn vị hành chính và chính quyền địa phương các cấp. Năm 2020 hoàn thành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và dân số (hoàn thành trước tháng 3/2020), cấp huyện hoàn thành trước tháng 6/2020.
Vậy thì vì sao chúng ta lại phải sắp xếp lại các đơn vị hành chính hai cấp huyện, xã là bởi, từ năm 1986 - 2016, số đơn vị hành chính cấp huyện đã tăng hơn 270 xã lên 11.162. Nếu dựa vào tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã theo Nghị quyết 1211/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hiện có 259 huyện, 6.191 xã trong cả nước chưa đạt 50% tiêu chuẩn. Huyện chưa đủ chuẩn 259/713 đơn vị, chiếm 36,33%, trong đó có 199 huyện, 21 quận, 23 thành phố thuộc tỉnh và 16 thị xã. Với sự phình ra của bộ máy, nếu không có sự điều chỉnh kịp thời, chắc chắn không có ngân sách nào chịu nổi.
Phải cấp bách sắp xếp lại các đơn vị hành chính để gọn bộ máy nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Chính vì vậy, Nghị quyết 18 Trung ương 6 yêu cầu đến năm 2021 sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên…
Thiết kế chính sách mang tính tổng thể
Tuy nhiên để thực hiện chủ trương này là điều cũng chẳng dễ dàng.
Tại cuộc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo đề án, nhiều ý kiến đã phân tích thấu đáo những khó khăn khi thực hiện đề án này. Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nêu hàng loạt lo lắng như thách thức là hạ tầng giải quyết thế nào, trung tâm xã ở đâu, sử dụng hạ tầng thế nào; phải điều chỉnh các điểm khu dân cư…Theo ông, khi nhập 3 xã lại 1 thì mô hình thôn cần điều chỉnh lại để bảo đảm đồng bộ trong kết cấu nằm trong xã mới. “Quá trình tổ chức sáp nhập, một vấn đề rất thách thức là sắp xếp cán bộ. Đề án nêu có thể dư, nhưng thực ra là dư rất nhiều. 3 xã nhập 1 thực ra là dư 2/3. Vậy phải có 1 nội dung bàn kỹ vấn đề này nếu không sẽ không thực hiện được. 3 bí thư chỉ còn 1 bí thư, 3 chủ tịch giờ còn 1 chủ tịch thì xử lý thế nào”- Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh băn khoăn.
Phân tích những khó khăn khi thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cho rằng: “Khi sắp xếp bộ máy, nội bộ nhiều chuyện lắm. Bây giờ mới làm đề án thôi đã tính đề xuất nọ kia, ở dưới đã có hiện tượng người ta chạy rồi, người ta cũng trao đổi, làm hết chuyện nọ chuyện kia, rồi người này người kia điện thoại, đủ hết cả”. Rõ ràng nếu sáp nhập dù chỉ 1 đơn vị hành chính thì công tác cán bộ là vấn đề mà nhiều địa phương trăn trở. Vì vậy cần chính sách và có nghị định riêng của Chính phủ về chế độ chính sách áp dụng cho từng ngành, lĩnh vực bởi ngoài địa phương thì có cả ngành dọc như thuế, hải quan, thi hành án.. Thế nên, nhập thế nào, nhập ra sao phải làm thận trọng, tránh gây xáo trộn không đáng có.
Không chỉ xáo trộn về nhân sự của bộ máy ấy mà nỗi lo lớn nhất chính là những sự phiền hà, ảnh hưởng đến dân sẽ không nhỏ nếu ta chốt phương án sáp nhập. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng, việc sáp nhập sẽ làm thay đổi một địa chỉ số nhà, tất cả giấy tờ hộ tịch thay đổi theo. Do đó, cần tính toán thêm về phạm vi hợp lý.
Phải rất thận trọng trong việc tách và nhập đơn vị hành chính, ông Lê Hữu Khang, Giám đốc sở Nội vụ Điện Biên nhận định. Theo ông Khang, đây không phải lần đầu đề cập chuyện tách nhập. “Trong lịch sử chúng ta từng tách nhập quá nhiều lần, lần nào lý thuyết cũng đều có lý cả”. Trong khi đó, nền hành chính muốn phát triển cần sự ổn định. Do đó, “phải thiết kế chính sách tổng thể để quản lý giúp phát triển, không nên nóng vội tách hay nhập. Mà đã là chính sách mang tầm vĩ mô không thể làm vội vàng, làm càng vội tuổi thọ càng ngắn đi”, ông Lê Hữu Khang nói. Theo ông Lê Hữu Khang, sau khi tính hết các yếu tố, nếu hiệu quả thì quyết liệt làm. Tuy nhiên nên xong trong năm 2020. Đất nước cần sự ổn định về đơn vị hành chính.
Ông Bùi Văn Xuyền.
Không sáp nhập khó phát triển
Theo ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, sáp nhập một số đơn vị hành chính cái khó đầu tiên là khi gộp vào thì 2 bộ máy mất đi 1 và tinh giản rất nhiều biên chế. Điều này lại liên quan đến việc đánh giá cán bộ thế nào, giải quyết chế độ, hỗ trợ về kinh phí ra sao.
Vừa rồi Lào Cai sáp nhập 2 sở vào với nhau, cũng chỉ có 1 giám đốc (GĐ) và 2 phó GĐ chứ không phải như ngày xưa Hà Nội sáp nhập cơ học, 1 GĐ nhưng có tới 8, 9 phó GĐ. Muốn thực hiện tất nhiên phải có nguồn lực, lộ trình, thời gian, vật chất. Quan trọng là sắp xếp cán bộ thế nào để họ không tâm tư, công việc được thuận tiện hơn... Việc này đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền địa phương phải chủ động, chứ Trung ương không thể làm thay được.
“Chẳng hạn như khi sáp nhập 2 xã với nhau thì sắp xếp thế nào, ai ở, ai đi; ai làm việc, đánh giá thế nào thì địa phương phải chủ động. Còn nếu vượt quá thẩm quyền, khả năng như vấn đề ngân sách, kinh phí địa phương không có thì Trung ương phải tính. Nếu cần thiết thì hỗ trợ thêm về công tác cán bộ trong việc đào tạo bồi dưỡng nghề mới, hoặc trợ cấp... Nếu thực sự quá khó khăn, phức tạp, không thể giải quyết trong thời gian từ nay đến 2020 thì phải đặt vấn đề báo cáo Trung ương, đề xuất kéo dài lộ trình thực hiện. Với yêu cầu cải cách hành chính hiện nay, việc sáp nhập huyện, xã không thể không làm. Nghị quyết Trung ương nói rất rõ là cấp bách, nếu không làm không bao giờ phát triển được”- ông Xuyền nói.
Ông Phạm Văn Hòa.
Thận trọng là cần thiết
Theo ông Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, quá trình hợp nhất cần thận trọng vì sẽ xảy ra nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ dần dần. Bước đầu có khó khăn liên quan đến địa giới hành chính, dân số. Vì trước giờ đã có khác biệt về điều kiện sinh hoạt, đặc thù văn hóa, thói quen. Một vấn đề nữa là khó khăn trong sắp xếp nhân sự. Hai nhập một sẽ giảm một nửa số lượng cán bộ công chức. Thậm chí, giảm một nửa cán bộ không chuyên trách của những nơi đó. Tuy nhiên, cái khó khăn chỉ tạm thời chứ không phải về lâu dài.
“Mắc mớ nhất là chính sách, chế độ cho những cán bộ dôi dư ra. Cần có chính sách để đảm bảo cuộc sống của họ. Với những cán bộ được lựa chọn, cần thiết phải làm thận trọng, khách quan để chọn được người có đức, có tài, có trách nhiệm với người dân để bố trí. Nếu có điều kiện nữa thì nên tổ chức thi tuyển. Tôi nghĩ làm như vậy để tránh sự so bì, đảm bảo công bằng trong vấn đề sáp nhập thôn, tổ, ấp, xã, huyện. Khi hợp nhất cái lợi là ngân sách nhà nước giảm và hạn chế thấp nhất chuyện chi tiêu ngân sách cho cán bộ như hiện nay. Việc dư ra các trụ sở, cơ quan đơn vị nên chuyển đổi phục vụ cho mục đích công cộng hay đấu giá bán tài sản, thu tiền ngân sách, giải quyết chế độ chính sách cho công chức, viên chức nghỉ làm” - ông Hòa nói.