Giải bài toán xuất khẩu lao động- Bài 1: Giấc mơ và những cảnh đời

Hạnh Nguyên - Xuân Thi - Lê Minh 13/08/2018 08:00

Nhiều năm trở lại đây, xuất khẩu lao động đã làm đổi thay nhiều mảnh đời, nhiều làng quê, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, ở lĩnh vực này cũng nảy sinh nhiều bất cập. Thay đổi tư duy và cách làm về xuất khẩu lao động được coi là việc làm cần thiết.

Giải bài toán xuất khẩu lao động- Bài 1: Giấc mơ và những cảnh đời

Xuất khẩu lao động, bên cạnh cơ hội còn là rủi ro.

Do đặc thù địa hình nên người dân vùng Trung Trung Bộ luôn phải gồng gánh trên mình nhiều lo toan. Người dân phải tìm mọi cách vượt qua khó khăn, và xuất khẩu lao động là một trong những cách được bà con lựa chọn. Nhưng trong sự lựa chọn ấy, có cả niềm vui lẫn nỗi buồn.

Phố giữa làng quê

Gia đình bà Nguyễn Thị Thu (70 tuổi, thôn Bắc Mới, xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) ở ngay cửa biển, ngôi nhà nhỏ ấy thường xuyên gánh chịu thiên tai, bão lũ. Là hộ nghèo lâu năm của xã, chồng lại mất sớm, bà Thu 1 mình bươn chải nuôi 7 đứa con ăn học. Nghề chài lưới không đủ nuôi sống cả mấy miệng ăn, những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, những đứa con của bà Thu tìm đường đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Đứa thì sang Hàn Quốc, đứa đi Nhật Bản, hay Malaysia…Hiện nay, tính cả con, dâu, rể, gia đình bà Thu có 5 người đang ở nước ngoài.

“Nếu các con tôi không xuất ngoại thì nhà tôi không biết khi nào mới thoát nghèo. Nhờ các con đi XKLĐ nhà tôi mới đủ ăn và xây được căn nhà này. Cả xã Cương Gián, hầu như nhà nào cũng có người đi XKLĐ. Trước đây, mới học xong cấp 2 cũng có thể XKLĐ được, bây giờ thì cứ học xong phổ thông là đi luôn, chỉ có người già và trẻ nhỏ ở nhà thôi”- bà Thu nói.

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Hồng (xã Đồng Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay gia đình ông Hồng đã thoát khỏi hộ nghèo, xây được nhà kiên cố, trong nhà mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền. Ông Hồng cho biết, kinh tế gia đình ông ngày càng khấm khá là nhờ nguồn vốn của người con trai đang đi XLLĐ ở nước ngoài gửi về.

Cũng từ nguồn vốn tích lũy được sau thời gian đi XKLĐ tại Hàn Quốc của 6 người con, bà Hoàng Anh (thôn Hà Lào, xã Thuận Hóa, Tuyên Hóa) đã mua đất và xây dựng khách sạn khang trang ở thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa, Quảng Bình) để kinh doanh. Bà Anh cho biết, gia đình bà trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo, sau khi có chính sách đưa người XKLĐ của địa phương, bà đã mạnh dạn vay tiền làm thủ tục cho đứa con đầu đi XKLĐ sang Malaysia. Sau khi đứa con đầu ra nước ngoài làm việc ổn định gửi tiền về, bà đã trả được nợ và tiếp tục đầu tư làm thủ tục cho những người con khác đi XKLĐ ở Hàn Quốc, Malaysia…

Ông Phan Định (thôn Phụng Chánh 1, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) cũng có 3 người con đều XKLĐ tại Nhật Bản. Hiện người con đầu tiên của ông đã trở về nước sau 3 năm XKLĐ, 2 người con lại vẫn đang ở Nhật. Trung bình mỗi người con của ông gửi về nhà khoảng 25 triệu/tháng, đây là một số tiền khá lớn với người dân nơi đây. Ông dùng một phần tiền để sửa sang nhà cửa, mở quán cà phê bình dân để cải thiện thu nhập.

Theo thời gian, có nơi đã xuất hiện làng xuất ngoại, xã chuyên XKLĐ. Và cũng đã xuất hiện “phố giữa làng” ngay tại những nơi vốn rất khó khăn như làng biển Thanh Hải (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là địa phương có người đi XKLĐ từ năm 1997.

Khác với ngày xưa là làng chài ven biển, người dân sống bấp bênh, nghèo khó phụ thuộc vào con tôm, con cá đánh bắt ven biển, Thanh Hải bây giờ là “phố” giữa quê với hàng chục ngôi nhà cao tầng khang trang, mọc lên san sát, những con đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp.

Hay như thôn Xuân Hòa (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch), thôn Lý Hòa (Hải Trạch, Bố Trạch), thôn Nhân Quang (Nhân Trạch, Bố Trạch, cùng tỉnh Quảng Bình); xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh)... cùng giảu lên nhờ XKLĐ. Đặc biệt như xã Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) có tới 1.300 người đi lao động nước ngoài, tập trung chủ yếu ở các nước Tây Âu. Nhiều thôn trong xã, nhà tầng mọc lên san sát.

Tuy nhiên, đằng sau sự đủ đầy này còn nhiều câu chuyện đẫm nước mắt.

Giải bài toán xuất khẩu lao động- Bài 1: Giấc mơ và những cảnh đời - 1

Người thân của anh Nguyễn Văn P. đau đớn khi nhận hung tin.

Còn đó những nỗi đau

Mới đây, người thân gia đình anh Hoàng Văn Đ. (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hết sức đau đớn khi nghe tin anh tử nạn, nhiều ngày không đưa được thi thể trở về quê hương. Lý do là bởi tháng 6/2016, anh Đ. đi XKLĐ ở Đài Loan theo con đường hợp pháp, nhưng được một thời gian, anh “nhảy” ra ngoài làm việc. Tháng 4/2018, anh bị tử nạn, không có cơ quan chức năng nào đứng ra bảo lãnh nên thi thể anh Đ. mắc kẹt ở nước bạn, gia đình ở nhà phải nén nhịn nỗi đau này hàng chục ngày trời. Và đằng sau cái chết của anh Đ. là nỗi mất mát của người thân, gia đình cùng những món nợ “khủng”.

Một trường hợp khác. Đầu năm 2017, sau khi rời ghế trường cấp 3, Nguyễn Văn P. (trú xóm Nam Phú, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) sang Hàn Quốc theo hình thức du học. Sang xứ sở kim chi, P. vừa học vừa đi làm thêm ở các công trình xây dựng. Ngày 7/7/2018, P. bị rơi từ tầng 12 của công trình xuống đất, P. được đưa đến Bệnh viện Yeosu Jeonnam (thành phố Yeosu, tỉnh Jeolla Nam) cấp cứu nhưng không qua khỏi. 7 ngày sau thi thể của em mới được đưa về quê nhà.

Hoàn cảnh gia đình P. rất khó khăn, bố làm ruộng, mẹ buôn bán nhỏ ở chợ. P. là con thứ 2 trong gia đình 6 người con. Sau khi học xong lớp 12, P. làm thủ tục đi du học Hàn Quốc theo diện vừa học vừa làm, đến lúc tử nạn mới được 16 tháng. Để làm thủ tục du học cho P., gia đình phải thế chấp ngân hàng vay gần 300 triệu đồng, số nợ này đến lúc P. mất vẫn chưa hoàn trả hết. Nợ cũ cộng nợ mới (chi phí đưa thi thể P. về quê nhà) lên đến hàng chục nghìn đô la, tất cả đè hết lên đôi vai gầy guộc của cha mẹ.

Mảnh đất chang chang cồn cát Quảng Bình cũng thường xuyên gánh chịu nỗi đau vợ mất chồng, con mất cha, bố mẹ mất con như thế. Trong đó có cô gái Phạm Thị H. (ở thôn Tú Loan, xã Quảng Hưng, Quảng Trạch, Quảng Bình) tử vong ở xứ sở Hoa anh đào khi mới tròn 23 tuổi. H. sang Nhật Bản bằng hình thức du học ngành quản trị kinh doanh. Để có tiền trang trải cuộc sống, hàng ngày, ngoài thời gian lên lớp, H. đã bươn chải kiếm việc làm thêm. Tối ngày 7/4, trong lúc đi ăn tối cùng mọi người, H. đã bị đột quỵ do kiệt sức, áp lực công việc và tử vong. Sau 10 ngày thi thể H. mới được đưa về an táng tại quê nhà.

Nhưng, trong XKLĐ, nỗi đau thật lớn chính là những cú lừa.

Tháng 2/2017, anh Nguyễn Văn Sơn (thôn Nam Hải, Thạch Hải, Thạch Hà, Hà Tĩnh) được một người quen giới thiệu có “mối ngon” đi XKLĐ sang Hàn Quốc. Sơn được “quảng cáo” là có Công ty Hoàng Long ở Hà Nội do bà Phùng Thị Mười Linh (trú huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đứng đầu nhận được đơn hàng phụ bếp ở Hàn. Tin tưởng, Sơn cùng 7 người bạn khác ở xã Thạch Hải quyết định theo Nguyễn Quang Hải và Phùng Thị Mười Linh để xuất ngoại những mong sẽ được “đổi đời”.

Giải bài toán xuất khẩu lao động- Bài 1: Giấc mơ và những cảnh đời - 2

Những lá đơn kêu cứu trong vô vọng của lao động bị lừa.

Ít ngày sau, Sơn và những người bạn được 2 người “áp tải” đưa đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Tràng An (Hà Nội), kết quả đạt yêu cầu, tất cả được làm hồ sơ. Ngày 30/3/2017, tại Trường Cao đẳng kinh tế công nghiệp Hà Nội, Sơn nộp số tiền 4.000 USD cho bà Phùng Thị Mười Linh để làm hồ sơ và học tiếng Hàn ở đó. Ngày 16/4/2017, Sơn tiếp tục nộp 6.000 USD cho bà Linh. Sau khi nộp hết 10.000 USD như đã thỏa thuận ban đầu, bà Linh hứa 2 đến 3 tháng nữa sẽ có vida để “bay”.

Từ 24/4 đến 26/8/2017, Sơn cùng những người khác được đưa vào TP Hồ Chí Minh để tiếp tục học tiếng. Thời điểm này, thấy các “con mồi” dễ bị lừa nên bà Linh yêu cầu mỗi lao động nộp thêm 2.500 USD nữa. Tuy nhiên, trước lòng tham vô đáy của bà Phùng Thị Mười Linh, các lao động nghi ngờ nên phản ứng và trình báo Công an phường 8, Q.Phú Nhuận, TP HCM. Quá trình điều tra, Công an phát hiện bà Phùng Thị Mười Linh còn có 1 chứng minh thư khác mang tên Phùng Thị Mười, 46 tuổi, thường trú số nhà 2A, ngõ 55, phố Giáp Nhị, Q.Hoàng Mai, Hà Nội).

Lúc này, các lao động đã trót nộp tiền mới “ngã ngửa” ra là đã bị bà Nguyễn Quang Hải và Phùng Thị Mười Linh lừa, chiếm đoạt hàng trăm nghìn USD. “Gia đình em vay ngân hàng 250 triệu đồng để nộp cho họ, đến giờ mỗi tháng đến kỳ nộp lãi em không biết lấy đâu để trả. Bọn em đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an Hà Nội, họ thông tin là đã bắt bà Phùng Thị Mười Linh rồi nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn lại tiền cho bọn em”- nạn nhân Nguyễn Xuân Mừng (24 tuổi, trú thôn Bắc Hải, xã Thạch Hải, Thạch Hà, Hà Tĩnh) buồn bã nói.

Tại những tỉnh nghèo, “cò” lao động xuất hiện thường xuyên. Nhiều hộ gia đình đã cầm cố nhà cửa, vay mượn tiền để nộp cho con đi XKLĐ thông qua “cò”. Song, khi nhận được tiền, các “cò” lập tức “cao chạy xa bay”, để lại nỗi đau và nợ nần chồng chất cho những người nghèo. Giấc mơ đổi đời nhờ XKLĐ của họ theo đó mà tan thành mây khói...

[BÀI CUỐI: VÌ ĐÂU NÊN NỖI?]

Hạnh Nguyên - Xuân Thi - Lê Minh