Đậu phụ An Long
Võ Nhai là một huyện vùng cao duy nhất của Thái Nguyên, cách thành phố Thái Nguyên khoảng chừng 20 km. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng như Di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm (Thần Sa), hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà (Phú Thượng)…mà mảnh đất Võ Nhai còn nức tiếng xa gần bởi món đậu phụ vô cùng thơm ngon.
Những miếng đậu trắng tinh mềm mịn.
Làng nghề đậu phụ An Long, xã Bình Long (Võ Nhai) từ lâu được biết đến với nghề làm đậu phụ cha truyền con nối. Chỉ cần đến đầu làng đã nhận ra ngay sự khác biệt của làng nghề này, những nồi đậu tương thơm nức. Đậu phụ ở An Long, có đặc điểm trắng mịn, không cứng, không mềm nát và thơm ngậy đặc biệt.
Theo lời các cụ già trong làng kể lại, thì nghề đậu phụ có từ những năm 60 của thế kỷ trước. Khi ấy, nghe theo tiếng gọi của Đảng đi xây dựng đời sống kinh tế mới, một số hộ dân xã An Vĩ, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã xung phong lên vùng đất Bình Long lập nên xóm An Long. Khi lên vùng đất mới, bà con mang theo nghề đậu phụ truyền thống. Vì là món ăn khá phổ biến từ thành thị đến làng quê, lại nhờ có bí quyết chế biến riêng nên những bìa đậu trắng tinh, mềm, mịn thơm ngậy đặc trưng của đỗ tương làm tới đâu hết tới đó.
Điểm đặc biệt của đậu phụ An Long là rất to, cỡ khoảng 1kg. Để có bìa đậu phụ to, mềm, mịn nhưng không nát bà con luôn tìm chọn hạt đỗ tương ngon nhất. Những hạt đậu được trồng tại mảnh đất Bình Long tròn mẩy, vàng óng và đều tăm tắp. Từng khâu làm đậu, như xay đỗ, pha nước cũng rất tỉ mỉ. Khác với đậu phụ ở các địa phương khác, đậu ở An Long ép trong khuôn lớn, mỗi bìa đậu chừng 1kg. Món đậu này có thể chế biến thành nhiều kiểu khác nhau, tuy nhiên thơm ngon nhất chính ăn đậu nóng chấm mắm tôm. Miếng đậu thơm ngon, bùi, béo, như tan trong miệng, hấp dẫn vô cùng.
Đậu phụ ở đây người dân bán theo kg (trung bình là 20k/kg). Đậu được bán trong xã và một số địa phương lân cận, tiêu thụ trong ngày. Người dân ở đây bảo, ăn đậu phụ hàng ngày nhưng không thấy chán bởi nó chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Khách phương xa đến với Võ Nhai cũng thường tìm đến làng đậu phụ An Long để mua vài kg đậu về làm quà.
Thơm ngon nức tiếng là vậy, tuy nhiên đầu ra bền vững để người dân sống được với nghề truyền thống vẫn còn rất khó khăn. Trước xóm An Long hầu như nhà nào cũng theo nghề, vậy mà giờ chỉ còn khoảng 10 hộ làm đậu, cung cấp ra thị trường khoảng 150 kg đậu phụ/ngày. Đậu phụ của bà con chủ yếu được bán tại chợ các xã lân cận. Mỗi ngày trung bình 1 hộ bán được khoảng 15kg đậu phụ/ngày, trừ hết chi phí thu nhập được gần 100 ngàn đồng không đủ lo cho cả gia đình. Thế nhưng mừng là hầu hết những hộ trụ lại với nghề đều không có ý định bỏ cuộc, họ vẫn mong một ngày làng đậu phụ An Long sẽ hoạt động tấp nập trở lại, bởi thương hiệu truyền thống ấy vẫn đang được gìn giữ, tiếp nối.