Đồng bằng sông Cửu Long: Những diễn biến thời tiết bất thường
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh. Ngày 14/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống ngập lụt, úng do ảnh hưởng của lũ.
Mực nước sông ở ĐBSCL đang lên nhanh.
Sáng 14/8, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên. Mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu: 3,7m, trên báo động (BĐ) 1 là 0,2m; trên sông Hậu tại Châu Đốc: 3,17m, trên BĐ 1 là 0,17m.
Dự báo đến ngày 20/8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 3,85m, dưới BĐ2 là 0,15m; trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 3,25m, dưới BĐ2 là 0,25m. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Cũng trong sáng 14/8, tại Cần Thơ, triều cường đột ngột dâng cao gây ngập nước ở nhiều tuyến đường. Đáng chú ý là nhiều tuyến hẻm, một số con đường ven sông Hậu bị ngập từ 0,2- 0,4m. Đây được xem là đợt triều cường xuất hiện sớm nhất trong nhiều năm qua ở Cần Thơ. Bởi thường thì triều cường chỉ xuất hiện ở Cần Thơ vào đầu tháng 9 hàng năm. Với sự xuất hiện sớm của triều cường, nhiều người dân trong nội ô Cần Thơ lo lắng sẽ bị ngập nghiêm trọng khi triều cường xuất hiện trong thời gian tới.
Dự báo tình hình mưa lũ cực đoan và xả lũ của các hồ chứa ở thượng nguồn sông Mekong, diễn biến lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể biến động bất thường, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện cao hơn, ở mức báo động 3.
Để chủ động bảo vệ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, đề phòng thiệt hại do lũ gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, bờ bao, khoanh vùng cụ thể các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của lũ nội đồng; tăng cường gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở.
Thực hiện khẩn cấp các giải pháp bảo vệ các diện tích lúa hè - thu có khả năng chịu ảnh hưởng của lũ đầu mùa; tổ chức thu hoạch sớm diện tích lúa vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của lũ để tránh thiệt hại. Theo tổng hợp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ĐBSCL, tổng diện tích xuống giống vụ hè - thu là 1,59 triệu ha, giảm 12.600 ha so năm 2017; năng suất ước đạt 5,65 tấn/ha, tăng hai tạ/ha; sản lượng ước đạt 9,03 triệu tấn, tăng 251.700 tấn so với hè - thu 2017.
Ngoài ra, các địa phương khuyến cáo người dân thời điểm xuống giống lúa thu - đông phù hợp, chỉ tổ chức xuống giống lúa vụ thu - đông ở các vùng đê bao triệt để, khép kín, có khả năng chống chịu được lũ chính vụ. Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo lũ sông Cửu Long do các cơ quan chuyên ngành và thông tin dự báo ngập lũ nội đồng do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp hàng ngày để thực hiện các giải pháp ứng phó kịp thời.
Trước đó, tại cuộc họp về ứng phó thiên tai khu vực ĐBSCL, do Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức, Phó Cục trưởng Phòng thống thiên tai Hoàng Hiệp đã đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên, ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất; cảnh báo và di dời dân tại khu vực bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn. Ngoài ra, cần tổ chức các điểm giữ trẻ tập trung, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đến các điểm giữ trẻ để bảo đảm an toàn…
Dự báo tình hình mưa lũ cực đoan và xả lũ của các hồ chứa ở thượng nguồn sông Mekong, diễn biến lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể biến động bất thường, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện cao hơn, ở mức báo động 3. |