Trạm trộn bê tông trái phép gây ô nhiễm: Dân bức xúc, chính quyền không xử lý
Trong suốt hơn 3 năm qua, người dân trong khu vực không khỏi bức xúc trước việc một khu trạm trộn bê tông quy mô lớn, rộng cả nghìn mét vuông mọc lên tại xã Hà Bình, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) hoạt động rầm rộ mà không được cấp phép, gây ô nhiễm môi trường nhưng không bị xử lý.
Điều này đã khiến dư luận đặt câu hỏi có hay không sự bao che của chính quyền, cơ quan chức năng huyện Hà Trung đối với trạm trộn bê tông này.
Trạm trộn bê tông trái phép gây ô nhiễm tại xã Hà Bình.
Xây dựng trái phép trên đất 2 lúa?
Trạm trộng bê tông nói trên nằm ngay bên cạnh Quốc lộ 1A, án ngữ ngay trục đường dẫn vào UBND xã Hà Bình nên không khó để mọi người có thể nhận ra. Tại thời điểm chúng tôi đến, nhiều phương tiện xe vận tải, xe bồn chuyên dụng cỡ lớn vẫn ra vào hoạt động rầm rộ;...
Bà Nguyễn Thị N - một hộ dân sinh sống bên cạnh trạm trộn bê tông lắc đầu ngao ngán cho biết: Nhà bà cũng như nhiều hộ gia đình khác tại đây dù nằm phía bên phía đối diện với trạm trộn nhưng đang phải gánh chịu bụi bặm, tiếng ồn từ trạm gây ra.
“Khổ nhất là đám trẻ con, đi học thì thôi chứ hễ nghỉ thì phải “nhốt” trong nhà, cửa đóng kín mít để tránh bụi. Ấy thế mà hầu hết chúng nó đều bị mắc các bệnh về đường hô hấp. Đêm đến, tiếng máy trộn, tiếng xe tải hạng nặng vào ra gầm rú làm người dân lân cận không tài nào ngủ được. Làm kinh doanh, buôn bán mà bị bụi bặm tấn công thì khách nào dám dừng lại mua bán.” – bà N bức xúc nói.
Trong khi đó, một hộ dân khác tại đây cũng đặt câu hỏi: Là xã Nông thôn mới nhưng không hiểu sao Hà Bình lại cho họ đặt một trạm trộn bê tông gây mất mỹ quan, gây ô nhiễm ngay đầu xã?!
Tìm hiểu thêm từ phía người dân được biết: Nơi đây trước kia khu đất vốn là khu đồng đất 2 lúa mầu mỡ, thuận canh tác. Tuy nhiên, kể từ trạm trộn bê tông này đi vào hoạt động thì phía doanh nghiệp liên tục tiến hành đổ đất san lấp ra xung quanh, sau đó xây dựng nhà xưởng và đưa máy móc, phương tiện, xe cộ vào hoạt động.
Trong khi đất ruộng của xã thì càng ngày càng bị lấn chiếm, khu đất xung quanh thì chịu ảnh hưởng không thể canh tác dẫn đến phải bỏ hoang thì nay UBND xã Hà Bình lại quy hoạch khu vực trên làm khu dân cư. “Đây có lẽ là cách mà xã giúp doanh nghiệp này mua đất của các hộ lân cận để hợp thức hóa hoạt động?!” – một người dân cho biết.
Chính quyền tiếp tay?
Qua tìm hiểu được biết, trạm trộn bê tông trên được xây dựng lên từ khi thi công dự án đường liên xã Hà Bình đi xã Hà Tân (Hà Trung) vào tháng 11/2016, do Công ty Phúc Thịnh là đơn vi thi công. Trong quá trình thi công, Công ty Phúc Thịnh đã được UBND xã Hà Bình “đặc cách” cho thuê 1.000 m2 đất nông nghiệp để xây dựng trạm trộn bê tông, thời hạn cho thuê là 6 tháng. Điều đáng nói ở đây là khi hết hạn hợp đồng, biết xã không có thẩm quyền cho doanh nghiệp thuê đất nhưng UBND xã Hà Bình vẫn tiếp tục cho phía Phúc Thịnh gia hạn hợp đồng thêm 6 tháng, bắt đầu từ ngày 28/08/2016 đến ngày 28/02/2017, bất chấp sự phản đối của dư luận.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Xuân Thực– Chủ tịch UBND xã Hà Bình cũng xác nhận trạm trộn bê tông người dân phản ánh đã hoạt động được thời gian dài nhưng chưa có giấy phép xây dựng và cũng chưa có đầy đủ các hồ sơ pháp lý liên quan là có cơ sở. Tuy nhiên theo ông Thực, sở dĩ xuất hiện trạm trộn bê tông trên bắt nguồn từ việc thực hiện dự án đường liên xã Hà Bình – Hà Tân của Công ty Phúc Thịnh.
“Hiện tại, khu đất đang được Công ty Phúc Thịnh chuyển nhượng cho một đơn vị khác là Doanh nghiệp Hồng Phượng (có trụ sở tại Bỉm Sơn) nhưng chính quyền xã vẫn chưa tiếp nhận được thủ tục, giấy tờ chuyển nhượng chính thức. Trước đó là cho doanh nghiệp thuê đất để xây dựng trạm trộn nhưng khi kết thúc thời hạn cho thuê thì họ đấu giá mua đất luôn” - ông Thực phân bua.
Đồng thời, ông Trịnh Xuân Thực cũng cho biết thêm: Trong 6 tháng qua (khi chưa chuyển giao cho phía Hồng Phượng), gần như trạm trộn bê tông này không hoạt động. Nhưng sau khi chuyển giao cho doanh nghiệp Hồng Phượng thì hiện tại trạm đã hoạt động được khoảng gần một tháng. “Chúng tôi đang yêu cầu chủ trạm, một là tháo dỡ, hai là hoàn thiện giấy phép” – ông Thực nói.
Để làm rõ thêm những “trúc trắc” phía sau sự liên kết giữa UBND xã Hà Bình – Công ty Phúc Thịnh – Doanh nghiệp Hồng Phượng, chúng tôi đã liên hệ với ông Đặng Văn Thiện - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hà Trung. Tuy nhiên, ông Thiện lại khẳng định: Đây là trách nhiệm thuộc về Phòng Kinh tế hạ tầng(?!)