Thiếu trường lớp ở Thủ đô: Ưu tiên giải quyết tình trạng quá tải ở bậc tiểu học
Hà Nội đang thiếu trầm trọng trường lớp học cho học sinh, những bất cập trong tuyển sinh đầu cấp tồn tại nhiều năm qua, chưa tìm được lời giải thỏa đáng. Mới đây, Sở GD- ĐT cho hay, nhằm từng bước khắc phục tình trạng này, ngành giáo dục Thủ đô sẽ ưu tiên giải quyết tình trạng quá tải ở cấp tiểu học.
Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An- quận Hoàng Mai.
Chi hàng ngàn tỷ đồng, vẫn thiếu trường lớp
Trong năm học 2017 - 2018, Hà Nội dành 19.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, chiếm tỷ lệ 25,5% mức chi từ ngân sách. Tuy nhiên, áp lực tăng dân số cơ học vẫn khiến những khu vực nội thành rơi vào tình trạng thiếu trường lớp, sĩ số quá tải. Đơn cử như tại khu đô thị mới Linh Đàm - quận Hoàng Mai, năm học 2018- 2019, lượng học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học Chu Văn An ( phường Hoàng Liệt) có lẽ đông nhất nhì Hà Nội. Năm nay, nhà trường đón tổng cộng 1.149 em học sinh, được chia thành 23 lớp. Như vậy, trung bình mỗi lớp có khoảng 50 học sinh, hoặc hơn thế.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thừa nhận, công tác phân tuyến tuyển sinh của các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội còn chưa thực sự phù hợp. Việc quy hoạch trường lớp chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng thiếu trường, lớp cục bộ.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có tổng cộng 2.641 trường mầm non, phổ thông và 2 trường trung cấp chuyên nghiệp với gần 55 nghìn nhóm lớp, gần 2 triệu học sinh. So với cùng kỳ năm trước đã tăng 60 trường, 5.083 nhóm lớp với khoảng 134.000 học sinh. Qua rà soát quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn 30 quận huyện, Sở GD- ĐT nhận thấy, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp tập trung trong các quận nội thành như Hà Đông, Hoàng Mai, Đống Đa, Nam Từ Liêm,… vẫn còn thiếu trường lớp; thiếu đất cho xây dựng trường học. Trong khi đó, có nhiều huyện ngoại thành dễ bố trí địa điểm xây dựng trường như Ba Vì, Đông Anh, Ứng Hòa,… nhưng lại thiếu nguồn lực đầu tư.
Ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Hà Nội chia sẻ, hàng năm thành phố rất chú trọng đầu tư xây mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trường học. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đưa ra vẫn chưa đủ đảm bảo đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chuẩn về trường, lớp học. Mới đây, Sở GD- ĐT đã trình UBND thành phố xem xét phê duyệt quyết định điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030. Trong đó, đề xuất đến năm 2030, toàn thành phố cải tạo và xây mới 1.557 trường học gồm xây mới 1.275 trường, cải tạo 282 trường.
Tăng cường quỹ đất xây trường học
Mới đây nhất, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 cấp tiểu học TP Hà Nội, bà Hoàng Thị Minh Hương, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD- ĐT Hà Nội) nhận định, một trong những vấn đề còn tồn tại của năm học 2017-2018 ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố là qui mô trường, lớp quá đông. Do đó, nội dung chính được bàn đến tại Hội nghị là việc tiếp tục mở rộng mạng lưới trường lớp để giải quyết tình trạng quá tải ở cấp tiểu học.
Hiện nay, riêng ở bậc tiểu học Hà Nội có gần 680.000 học sinh, theo học tại 745 trường tiểu học, tăng hơn 38.000 học sinh so với năm học 2016-2017. Tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 96,3%. Sĩ số trung bình một lớp ở các nhà trường đạt 40 học sinh, tuy nhiên một số trường có sĩ số lên đến 60 học sinh/ lớp. Trong khi đó, Điều lệ trường tiểu học do Bộ GD- ĐT ban hành quy định mỗi lớp có không quá 35 học sinh.
Để giải quyết tình trạng quá tải, Sở GD- ĐT Hà Nội kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các địa phương, nhất là với các quận, khu đô thị và các khu chung cư trong việc tăng cường quỹ đất, đầu tư xây dựng thêm phòng học để giảm sĩ số học sinh mỗi lớp, bảo đảm không quá 45 học sinh một lớp.
Đối với những trường, lớp dạy học 1 buổi/ngày, Sở GD- ĐT Hà Nội yêu cầu thực hiện thời lượng tối đa không quá 5 tiết/buổi, tối thiểu 5 buổi/ tuần. Nội dung hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa là 4 tiết/ tháng thực hiện tích hợp vào nội dung các môn học phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhà trường. Các trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng; hạn chế tối đa việc giao bài tập về nhà cho học sinh.
Đối với trường, lớp dạy học 2 buổi/ ngày phải đảm bảo thời lượng không quá 7 tiết/ ngày, một tuần không quá 35 tiết. Các tiết học chính khóa phải được xếp ở buổi học thứ nhất (buổi sáng) của các ngày học trong tuần. Các trường đảm bảo thời lượng tối thiểu có 1 tiết/ngày học sinh tự học có hướng dẫn. Các tiết học có hướng dẫn cùng các tiết học liên kết và tăng cường bổ trợ được xếp vào các giờ học buổi chiều của các ngày học trong tuần. Sở GD- ĐT nghiêm cấm việc giao bài tập về nhà cho học sinh.
Đối với những vùng khó khăn, vùng có đông học sinh dân tộc thiểu số, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày cần lưu ý tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tăng cường tiếng Việt bằng các hình thức đa dạng và phong phú để các em có nhiều cơ hội giao tiếp bằng tiếng Việt.