Nuôi cua đá cho thu nhập khá
Nhận thấy du khách khi đến đảo Bé, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) thường rất thích thưởng thức món cua đá (hay còn gọi là cua dẹt)- “đặc sản” của vùng đất còn mang nhiều trầm tích núi lửa, anh Bùi Văn Huệ, một người dân địa phương đã tiên phong chọn hướng đi khá mới mẻ bằng cách xây dựng chuồng trại nuôi loài cua này.
Hang nuôi cua đá của gia đình anh Hải.
Anh Huệ vốn là một ngư dân. Năm 2003, trong lần đầu tiên hành nghề lặn gần đảo Trường Sa Lớn, anh không may gặp nạn, hậu quả Huệ bị liệt hai chân, khiến anh từ một thanh niên khỏe mạnh thành người khuyết tật.
Cũng từ ngày đó, anh Huệ gắn thân mình với chiếc xe lăn, di chuyển bằng sự trợ giúp của hai chú chó. Rồi anh Huệ quyết tìm cho mình một cái nghề, trước để nuôi sống bản thân, sau phụ giúp cha mẹ già và cố gắng trở thành người có ích cho xã hội.
Khi đảo Bé nổi danh, du khách kéo về nhiều, nhu cầu ẩm thực tăng cao, đặc biệt là món ngon cua đá. Những ngày cao điểm, thấy những ngư dân trạc tuổi như anh “săn” cua không đủ bán cho khách, anh bèn nảy sinh ý nghĩ trong đầu rằng sẽ mở trang trại nuôi cua ngay trong vườn nhà. Và đó là hướng đi đúng, bởi lẽ số lượng cua tự nhiên cũng dần cạn kiệt đi vì không thể sống sót nỗi với sự khai thác quá mức của con người.
Nghĩ là làm, anh gom hết số tiền có được từ cái nghề lái xe tuk tuk chở khách tham quan vòng quanh đảo, đầu tư xây một trại nuôi hoành tráng. Trại được phân thành 2 khu, một khu nuôi thả cua nhỏ và một khu chứa cua lớn đã đủ chuẩn xuất ra thị trường; trên phần diện tích rộng hơn 100 mét vuông.
Anh Huệ và cha mình ngày ngày ra biển, nhặt, chở từng tảng đá nham thạch núi lửa về nhà, chất ra khu vườn phía sau làm chỗ trú ngụ cho cua. Anh tâm sự, phải tạo môi trường sinh sống tốt nhất cho cua, phải đảm bảo giống hệt tự nhiên bên ngoài để cua không bị “sốc”. Tứ bề anh cho xây tường cao, lát gạch men trơn để cua khỏi bò đi mất. Còn trong khu chứa cua bán, anh phủ cát dưới nền, trải các tấm nhỏ Fibro xi măng, xây bể nước…để cua có nơi ăn, ở.
Anh Huệ chủ yếu thu mua lại cua con từ người dân trong vùng để “vỗ béo” như cách người ta thường hay nuôi những con bò lai Sin. Sau 3- 4 tháng chăm sóc, anh xuất bán một lứa (mỗi lứa anh nuôi khoảng 350- 400 con) và tiếp tục nhập thêm lượng khác vào theo kiểu gối đầu. Mỗi ký cua (loại lớn từ 7-8 con, loại vừa từ 10-12 con) có giá bán dao động từ 400- 450 ngàn đồng, trừ hết chi phí anh thu về trên dưới 20 triệu đồng/lứa.
“Cua này chăm sóc khá dễ, thức ăn của nó chủ yếu là bột bắp, cơm. Do nó chỉ thích nghi với điều kiện sinh sống tại vùng đất núi lửa nên khác hẳn với các loại cua khác, thân chắc, thịt thơm ngon nên du khách khá ưa chuộng, thường đặt mua nhiều”- anh Huệ cho biết. Hiện tại, anh Huệ đang thử nghiệm việc nhân giống loại cua này để tiết kiệm hơn về chi phí đầu vào.
Nhiều người dân trên đảo, khi thấy anh Huệ thành công với nuôi cua đá cũng đã mày mò học cách làm và đã đạt được kết quả khả quan, góp phần nâng cao thu nhập nông hộ. Anh Huệ cho biết thêm, thời gian tới, anh sẽ mở rộng thêm chuồng trại, xây dựng bài bản hơn với phương châm vừa làm kinh tế kết hợp làm du lịch cộng đồng. Trong đó, mô hình tham quan cua đá là điều mà anh nghĩ tới.
Ông Huỳnh Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã đảo An Bình (đảo Bé) cho hay, xã khuyến khích người dân nuôi loài cua này, bởi cua đá cho hiệu quả kinh tế rất cao.