Nhiều chiêu trò trốn đóng Bảo hiểm xã hội

K.Lê 18/08/2018 07:00

Theo ông Mai Đức Thiện- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB&XH;), nhằm tránh quy định phải đóng BHXH cho lao động có hợp đồng từ 1 - 3 tháng, một số doanh nghiệp đã áp dụng hình thức trốn đóng BHXH khi chuyển qua loại hình hợp đồng vụ việc, thuê khoán, khoán việc…

Theo quy định của Luật BHXH, từ ngày 1/1/2018, người lao động (NLĐ) có hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ 1-3 tháng trở lên phải tham gia BHXH bắt buộc. Điều này nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của NLĐ và công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lách luật bằng cách chuyển đổi thành hình thức giao kết thuê khoán, khoán việc. Theo rà soát, cả nước có khoảng 2 triệu người lao động có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng. Tới tháng 5/2018, cả nước mới có trên 8.000 người lao động có hợp đồng từ 1-3 tháng tham gia BHXH.

Ngoài việc chuyển đổi hình thức giao kết để trốn đóng BHXH, theo báo cáo của BHXH VN, đã phát hiện cả việc lách luật thông qua việc ký hợp đồng lao động với người lao động làm việc trên 3 tháng nhưng chỉ ghi trên giấy tờ với thời hạn 2 tháng 8 ngày hoặc 2 tháng 29 ngày… Thậm chí có doanh nghiệp ngắt quãng hợp đồng 1-2 tháng mới ký lại để duy trì loại hình hợp đồng có thời hạn.

Thực tế nhiều cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng đã cho thấy, có những doanh nghiệp sử dụng tới cả nghìn lao động nhưng chỉ tham gia BHXH cho vài trăm người. Số lao động còn lại đều được “để ngoài danh sách” tham gia dưới dạng lao động “hợp đồng miệng lần đầu”.

Có doanh nghiệp lại chọn cách cho người lao động nhận sản phẩm về nhà gia công (khoán sản phẩm), thay vì trực tiếp đến công ty làm việc. Do không hiểu rõ về các chế độ, quyền lợi BHXH, bảo hiểm y tế hay chỉ nghĩ đến quyền lợi trước mắt (không phải trích đóng BHXH) mà nhiều người lao động “đồng tình” với doanh nghiệp để “lách luật” theo những phương thức này.

Trước thực tế trên, ông Mai Đức Thiện cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung về loại hình hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, phải làm rõ khái niệm về khoán việc cũng như thuê khoán… vốn chưa được đưa vào trong Luật Lao động nhưng đã tồn tại trong thực tế từ nhiều năm qua.

Đồng quan điểm ông Trần Đình Liệu- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng đề nghị sớm sửa đổi quy định về loại hình Hợp đồng lao động nhằm tăng cường giải pháp chống trốn đóng BHXH. “Điều 16 của Luật Lao động năm 2012 quy định 2 loại hình giao kết HĐLĐ theo văn bản hoặc lời nói. Nhưng trên thực tế đã và đang tồn tại việc giao kết còn thông qua hình thức khoán sản phẩm… Đây là kẽ hở để người sử dụng lao động có thể lách luật bằng cách khoán công việc nhằm tránh việc giao kết hợp đồng có thời gian cụ thể”- ông Liệu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Liệu, người sử dụng lao động sẽ lợi dụng hình thức khoán việc vì chưa nêu rõ về thời gian thực hiện công việc. Đơn cử như việc chủ sử dụng lao động khoán việc với NLĐ cùng thù lao là 3 triệu hoặc 5 triệu đồng/vụ việc. Nếu áp dụng theo quy định của luật về thời gian, hình thức giao kết hợp đồng lao động và chỉ quan tâm tới việc doanh nghiệp không đóng BHXH cho NLĐ sau ngày làm việc thứ 14 thì dứt khoát sẽ bỏ sót việc thu BHXH của trường hợp trên.

K.Lê