Ám ảnh những cây cầu
Vụ sập cầu mới đây tại Genoa (Italy) làm 39 người chết khiến người ta hoảng sợ khi biết rằng trước đó cũng đã có những vụ sập cầu khủng khiếp tương tự.
Hiện trường vụ sập cầu cạn ở Genoa, Italy.
Về nguyên nhân làm sập cây cầu ở Genoa, theo ông Antonio Brencich- GS chuyên ngành xây dựng tại Đại học Genoa, thì đây là một thất bại về mặt kỹ thuật. Và nhìn chung, theo ông này, việc tu bổ những cây cầu cũ tốn kém hơn so với việc phá bỏ nó để xây mới. “Chi phí bảo trì dù có lớn đến đâu thì cũng không nâng chất lượng, sức chịu đựng của cây cầu. Nên việc nó gãy gục chỉ còn là vấn đề thời gian”- GS Antonio Brencich nhận xét.
Trước đó, ngày 9/3/2017, cũng tại Italy, 2 người thiệt mạng và 2 người bị thương sau khi một cây cầu vượt đổ sập xuống đường cao tốc. Cây cầu là một công trình tạm thời để thay thế một cây cầu vượt khác đã bị đóng cửa.Cầu đang được bảo trì vào thời điểm đó và vụ sập cầu xảy ra sau khi kết cấu đột ngột bị hỏng.
Chưa hết, cũng ở quốc gia này, ngày 28/10/2016, một cây cầu bắc qua con đường đông đúc ở miền bắc cũng bị sập, giết chết 1 người và làm 5 người bị thương.
Ngược dòng thời gian, “thiên hạ” cũng đã từng chứng kiến những vụ sập cầu rất ghê gớm.
Ngày 30/9/2006, cầu vượt De la Concorde bắc qua đường Autoroute 19 gần Montreal (Quebec, Canada) đã đổ sập giữa ban ngày. 2 ô tô đã bị đè bẹp bên dưới đống đổ nát, 5 người chết, 6 người bị thương. Sau đó, con đường này bị đóng cửa 4 tuần, làm tê liệt giao thông bắc - nam giữa Montreal và khu ngoại ô phía bắc và vùng Laurentian.
Vào ngày 15/3 năm nay, 6 người chết, 10 người bị thương khi cây cầu đi bộ sập xuống đường cao tốc gần trường Đại học Quốc tế Florida (Miami, Mỹ). Cây cầu này được xây dựng để nối khuôn viên trường đại học với khu vực có 4.000 sinh viên trường sinh sống ở gần đó. Người ta xây cây cầu đề đảm bảo an toàn cho người đi bộ và dự kiến khai trương vào năm 2019. Tới nay, nguyên nhân chính xác vụ sập cầu vẫn chưa được xác định.
Người ta cũng chưa quên vụ giữa đêm 2/8/2016, một cây cầu bắc qua dòng sông Siviti chảy xiết ở Ấn Độ đã sập và làm 28 người chết. Cũng tại Ấn Độ, trước đó không lâu, ngày 31/3 cùng năm 2016, một cây cầu vượt đang xây dựng ở Kolkata đã đổ sập, giết chết 26 người và làm bị thương hàng chục người. Điều tra vụ sập cầu cho thấy thiết kế bị lỗi. Ngoài ra, thiếu quản lý chất lượng, vật liệu xây dựng không thống nhất và vấn đề trong xét duyệt thiết kế cũng là nguyên nhân.
Cũng tại Ấn Độ ngày 24/12/2009, một cây cầu bắc qua sông Chambal ngoài ngoại ô thành phố Kota ở bang Rajasthan, khi đang xây dựng đã bất ngờ đổ sập, làm gần 50 người chết và bị thương.
Cuối cùng, có thể kể đến vụ sập cầu tại Brazil, ngày 2/7/2014, khiến 2 người thiệt mạng và 22 người bị thương. Đó là trường hợp của cây cầu vượt ở Belo Horizonte. Nó bất ngờ gục ngã khi các phương tiện đang băng qua con đường đông đúc phía dưới. Đáng chú ý, cây cầu này nằm trong sự án nâng cấp cơ sở hạ tầng để chuẩn bị cho World Cup 2014 lúc bấy giờ.