Nghỉ học thứ 7

Mai Lan 19/08/2018 09:30

Mới đây, phiên họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thu hút sự chú ý của dư luận về đề xuất cho học sinh phổ thông nghỉ học vào thứ 7.

Cơ sở của đề xuất này xuất phát từ việc các gia đình người học và giáo viên, việc dạy và học vào thứ 7 ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian chung của gia đình, khi đại bộ phận người lao động nghỉ làm việc vào thứ 7 và Chủ nhật.

Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Với những người làm việc ngoài các cơ quan công lập như anh Việt Dũng (Mai Động – Hà Nội) thì khá căng thẳng. Theo anh Dũng , cả 2 vợ chồng anh đều làm công nhân và có con đang học lớp 7, với đặc thù công việc phải làm cả thứ 7 thì sẽ không có ai quản lý con. Nếu con được nghỉ học ngày thứ 7, có lẽ gia đình lại cho cháu đi học thêm.

Hầu hết các gia đình có bố mẹ là viên chức nhà nước thì lại ủng hộ việc nghỉ thứ 7. Theo chị Thúy Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) trước đây, khi hai con còn học tiểu học, gia đình chị thường lên kế hoạch đi về quê, thăm họ hàng hay dã ngoại vào hai ngày cuối tuần. Nhưng hơn một năm nay, khi con gái đầu lên cấp 2 thì cả nhà không tổ chức được các buổi sinh hoạt chung vì con học thứ 7. Cuộc sống hiện nay khá áp lực, bố mẹ đi làm, con đi học suốt ngày, những ngày cuối tuần rất quan trọng đối với mọi người nhưng lại không có nhiều thời gian bên nhau.

Không chỉ đối với học sinh và phụ huynh mà việc học thứ 7 cũng là áp lực đối với nhiều giáo viên. Trong khi mọi người nghỉ ngơi thì họ phải đến trường nên cũng không thực hiện được những kế hoạch khác với gia đình, việc chăm sóc con cái cũng có nhiều hạn chế.

Ở góc nhìn của các chuyên gia giáo dục thì điều này còn tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, lịch làm việc của phụ huynh. Với bộ phận này là thuận lợi nhưng với bộ phận khác là bất lợi. Đi cùng đó, cần những điều kiện cần thiết khác như chương trình học phù hợp, cơ sở điều kiện của trường học. Nếu không việc giảm tải chỉ là hình thức.

Một vấn đề khác cũng cần đặt ra khi việc nghỉ học vào thứ 7 mới chỉ được nhiều người chú ý ở góc độ thuận lợi hoặc hay bất lợi cho sinh hoạt của các gia đình. Trong khi đó ý kiến cần quan tâm nhất là của học sinh lại ít được để tâm. Theo đó, hầu hết các em học sinh được hỏi về việc nghỉ học ngày thứ 7 đều tỏ ra hứng thú, song cũng không ít em lo lắng việc nghỉ học sẽ không đảm bảo về chất lượng, thời gian học tập chính thức cho các em…

Về vấn đề này, một số giáo viên cũng phân tích: Hiện tại thời gian học chính khóa dài nhưng thực tế tỷ lệ học sinh vẫn phải đi học thêm rất cao để theo kịp chương trình, thi cử. Nghỉ học thứ 7 có thể xem là giảm thời lượng chính khóa mà các em được thụ hưởng chính thức, vậy các em sẽ ứng phó như thế nào với chương trình, với thi cử nếu không tăng thời lượng học thêm?...

Có thể nói đề xuất này là phù hợp với mong muốn của phần đông giáo viên, học sinh và phụ huynh, song khả năng thực hiện trong bối cảnh điều kiện cơ sở trường lớp còn thiếu thốn và chương trình học chưa giảm tải thì quả là khó với nhiều trường.

Mai Lan