Cuốn sách gợi nhớ về họa sĩ tài danh đầu thế kỷ XX
“Thang Trần Phềnh (1895-1973)” là cuốn sách nghiên cứu của tác giả Ngô Kim Khôi về một họa sĩ tài danh đầu thế kỷ XX. Ông là sinh viên khóa II Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Lễ ra mắt cuốn sách được tổ chức sáng 19/8 tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội.
Tác giả Ngô Kim Khôi tại lễ ra mắt sách Thang Trần Phềnh.
Trước khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập năm 1925, Thang Trần Phềnh đã nổi tiếng về tài vẽ tranh sân khấu. Ví như bức tranh sơn dầu “Phạm Ngũ Lão” vẽ năm 1923 của ông được tạp chí Nam Phong thời đó gọi là “Trần Hưng Đạo”. Theo tác giả Ngô Kim Khôi: Bức tranh hiện được bảo quản tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cùng 2 bức tranh khác của ông như: “Chân dung phụ nữ Lào” (sơn dầu, 1927) và “Lớp học sơ tán” (tranh lụa, 1968).
Đến dự lễ ra mắt cuốn sách có đại diện gia đình họa sĩ Thang Trần Phềnh. Đó là con rể Phạm Đỗ Minh, cháu nội Thang Đức Thắng. Những người thân của gia đình họa sĩ Thang Trần Phềnh cho biết: Đến nay gia đình không lưu giữ được bức tranh nào của ông. Trong khi đó, một số bức tranh của họa sĩ Thang Trần Phềnh được bán đấu giá ở nước ngoài có giá cao. Ví như 12 bản vẽ trang trí cho đồ men lam Huế được đấu giá và bán ở Hồng Kông năm 2016 với giá 100.000 HKD; bức “Thiếu nữ Bắc Kỳ bên gánh hàng” được đấu giá và bán ở Singgapour năm 2003 với giá 25.000 SGD.
Sách “Thang Trần Phềnh” được chia làm 5 phần, cung cấp nhiều tư liệu về thân thế, quá trình hoạt động nghệ thuật và 28 tác phẩm của họa sĩ. Tranh của danh họa từ thời thuộc Pháp qua thời kháng chiến rồi hòa bình ở miền Bắc gồm đủ loại: trên giấy, trên lụa, vải bố... và được vẽ bằng bút sắt, mực tàu, thuốc nước aquarelle, bột màu gouache, phấn tiên pastel, sơn dầu, thậm chí bằng phẩm nhuộm.
Khi tác giả Kim Khôi giới thiệu là cháu ngoại của họa sĩ Nam Sơn - Nguyễn Vạn Thọ, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã đặt câu hỏi: Là người bình luận và chứng kiến bức tranh “Thôn nữ Bắc Kỳ” của họa sư Nam Sơn vừa được đấu giá thành công ở Pháp vào tháng 3/2018 với mức giá 205.000 euro (tương đương 5,7 tỷ đồng) có phải là tranh thật hay tranh giả như một số lời đồn đại? Căn cứ nghi ngờ dựa vào chữ ký rất lạ, chưa từng thấy của họa sĩ Nam Sơn ở dòng lạc khoản ghi: “Thần kiếm hồ Nguyễn Nam Sơn bút ý”. Ông Ngô Kim Khôi nói: “Một số tranh khác của họa sĩ Nam Sơn cũng đề như thế”. Ông Khôi không nêu cụ thể bức tranh nào. Điều này làm phóng viên băn khoăn vì từ tháng 3/2018, đại diện gia đình họa sư Nam Sơn – ông An Kiều đã nói: “Tôi sống với bố suốt mấy chục năm chưa từng thấy bức tranh nào bố ký như thế”.
Tác giả Ngô Kim Khôi trả lời câu hỏi của phóng viên về màu sắc tranh trong sách thiên về màu đỏ, đó là bút pháp của họa sĩ Thang Trần Phềnh hay do lỗi chụp ảnh, in ấn? Tác giả Ngô Kim Khôi cho biết: Tranh của họa sĩ Thang Trần Phềnh thiên về màu đỏ và phần nữa cũng do chụp chưa chuẩn…
Ngoài vẽ tranh và nổi tiếng với các tác phẩm như: Chân dung phụ nữ Lào (1927), Đánh bài Tam Cúc (1930), Xem bói (1931, đoạt bằng khen mỹ thuật Rome), Thiếu nữ dệt vải (1933)... những năm trước cách mạng Tháng Tám, Thang Trần Phềnh còn minh họa cho tập san “Những người bạn Cố đô Huế” và vẽ trang trí sân khấu. Đặc biệt, ông lập gánh hát Đồng Ấu, thu nhận các tài năng trẻ trên dưới mười tuổi học hát múa ở Hà Nội để lưu diễn ở các tỉnh phía Bắc...