Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh
Cuối tuần qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập trong công tác chống phá rừng vùng giáp ranh, giữa hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, vùng giáp ranh giữa tỉnh Bình Thuận với tỉnh Lâm Đồng có chiều dài khoảng 190km, trải dài trên ranh giới 5 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh tiếp giáp với các huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và Đạ Huoai (Lâm Đồng). Thực hiện quy chế phối hợp về quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh, lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng của hai tỉnh đã phối hợp tốt trong các công tác quản lý, bảo vệ rừng. Các đơn vị thường xuyên trao đổi thông tin, rà soát và phối hợp tuần tra, xử lý các vụ vi phạm. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng đã tổ chức hơn 300 đợt truy quét, đã kiểm tra phát hiện và xửa lý 22 vụ vi phạm khai thác, vận chuyển, cất giấu lâm sản vùng giáp ranh.
Ông Trần Ngọc Tân, Chi cục tưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận cho biết, hiện nay, tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép khu vực giáp ranh huyện Tuy Phong (Bình Thuận) với huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) và khu vực giáp ranh giữa huyện Đức Linh, Tánh Linh (Bình Thuận) với huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) cơ bản đi vào ổn định, không còn phức tạp như các năm trước.
Tuy nhiên, tình hình phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực giữa huyện Bắc Bình (Bình Thuận) với huyện Di Linh và Đức Trọng (Lâm Đồng) vẫn diễn biến phức tạp. Hầu hết các đối tượng phá rừng đến từ Lâm Đồng, sử dụng phương tiện là xe hoán cải, cưa máy. Sau khi khai thác, lâm sản được vận chuyển về huyện Đức Trọng để tiêu thụ. Khi bị phát hiện, các đối tượng này có hành vi cản trở, chống đối liều lĩnh và manh động.
Có khá nhiều khó khăn trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh như địa hình đồi núi, vùng giáp ranh hiểm trở, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng mỏng nên việc phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, đơn vị chủ rừng và địa phương chưa chặt chẽ. Một số UBND xã vùng giáp ranh còn thụ động và chưa có sự gắn kết trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ rừng. Các đối tượng, băng nhóm phá rừng chưa được triệt phá tận gốc… Đó là những nguyên nhân khiến tình trạng khai thác rừng trái pháp luật vẫn còn diễn ra, nhất là khu vực giáp ranh giữa Bắc Bình- Đức Trọng, Di Linh.
Trước những bất cập nêu trên, hội nghị cũng đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp để việc phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh đặt hiệu quả trong thời gian tới như: sớm thành lập Trạm bảo vệ rừng liên huyện Bắc Bình- Đức Trọng, Di Linh tại khu vực Đỉnh Xanh (khu vực giáp ranh thuộc huyện Bắc Bình) để các đơn vị sớm có quy chế phối hợp tuần tra và ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng và chống tình trạng lâm tặc chống người thi hành công vụ.
Nhiều ý kiến cho rằng nên giao trách nhiệm, vai trò cho người đứng đầu và chính quyền cấp xã trong việc bảo vệ rừng. Chính quyền cấp xã các vùng giáp ranh cần phối hợp với các đơn vị chủ rừng, các lực lượng tại chỗ tuyên truyền vận động, giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc tại khu vực giáp ranh về ý thức bảo vệ, phát triển rừng đồng thời quản lý hộ tịch, hộ khẩu và vận động các đối tương chuyên hoạt động nghề rừng trái phép…
Bên cạnh đó, việc củng cố lại lực lượng bảo vệ rừng tại các vùng trọng điểm về phá rừng, kịp thời ngăn chặn tình hình phá rừng và chống người thi hành công vụ cũng là giải pháp cần thiết.