Sướng và khổ
Trong cuốn “Sử ký Thanh hoa” (Le parfum des Humanités) của tác giả E.Vayrac do học giả lừng danh Nguyễn Văn Vĩnh chuyển ngữ sang tiếng Việt, Nhà xuất bản Lao động phát hành năm 2011, ở trang 395 có viết một mệnh đề triết học rất quan trọng. Đó là: “Trước ngày chết, không ai được gọi là sung sướng cả” (Nul ne peut être dit heureux avant le jour de sa mort).
Cuốn “Sử ký Thanh hoa” này ra đời đã hàng trăm năm, nhưng những ý tưởng triết học của cuốn sách, đúng như tên gọi là “Hương hoa của nhân loại” hoặc “Những chắt lọc tinh túy nhất của văn minh loài người” hoặc “Những đỉnh cao của tư tưởng”, đã gây biết bao tranh luận, làm tốn biết bao giấy mực để khen, để chê và không bao giờ kết thúc cả. Đúng như định nghĩa sâu sắc nhất về triết học đã nêu rõ: “Triết học là một con đường lớn có lắm chông gai, không dẫn ta từ đâu đến đâu cả” (Phylosophy is a route of many roads, leading from nowhere to nothing). Thôi thì cứ từ từ cắt nghĩa, từ từ tìm hiểu may ra hiểu được phần nào về sự sướng, sự khổ ở trên đời.
Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học ở trang 807, thì: “Sướng là: 1/ Được đầy đủ, thỏa mãn như ý muốn về đời sống, trái với khổ. Thí dụ: Sướng như tiên; Khổ trước sướng sau. 2/ Có cảm giác thích thú, thỏa mãn đến cao độ. Thí dụ: Nghe thật sướng tai”. Ở trang 451 thì: “Khổ là: 1/ Quá khó khăn, thiếu thốn về vật chất hoặc bị giày vò đau đớn về tinh thần. Thí dụ: Sống khổ quá; Con hư làm khổ bố mẹ; Bao nhiêu đoạn khổ sầu thương / Nỗi ông vật vã nỗi nàng thở than – Nguyễn Du. 2/ Từ dùng như một cảm từ, biểu thị ý than thở, thương hại hoặc bực tức. Thí dụ: Rõ khổ mới ốm dậy đã phải đi làm; Khổ quá lại mưa to rồi”.
Nhìn một cách tổng quan thì con người ta sinh ra ở trên đời, cái lúc sung sướng, nhàn hạ, thảnh thơi là rất ngắn, còn cái thực tế cuộc sống vất vả, khó nhọc, mưu sinh hàng ngày lại quá dài, có người đến hết cả cuộc đời. Đúng như học giả Sully Prudhomme (1839 – 1908) đã tổng kết: “Cái sung sướng, lạc thú thì có hạn, còn cái thống khổ, vất vả thì vô cùng” (Le plaisir est borné, la douleur ìnfinie).
Nhà văn vĩ đại Pháp Honoré de Balzac (1799 – 1850) cũng có cùng nhận xét như thế khi ông viết: “Sự khó nhọc, vất vả thì vô cùng, còn sự sung sướng hớn hở thì chỉ có hạn” (La douleur est ìnfinie, la joie a ses limites).
Nhìn chung thì như các nhận xét ở trên, nhưng cũng may, trên thực tế con người vẫn sống vui, sống khỏe, vẫn tồn tại, vẫn phát triển. Dân số thế giới cứ tăng vùn vụt, đến nay (2018) đã đến con số 7 tỷ người. Vì sao như vậy? Là vì cái sướng cái khổ cứ đan xen nhau. Là vì cái sướng của người này lại là cái khổ của người kia hoặc cái sướng cái khổ là tùy góc nhìn, tùy quan niệm của từng người. Có người lắm của nhiều tiền thì lại gặp cái họa do ăn uống nhiều chất bổ béo, uống nhiều rượu tây đắt tiền thì hoặc chết vì ung thư, suy gan, suy thận, hay suốt đời phải điều trị bệnh tiểu đường, béo phì, mỡ máu cao ...
Trái lại, những người lao động bình thường, thậm chí còn vất vả gieo neo nhưng lại có niềm vui quyến luyến gia đình, tình thâm xóm giềng, mến yêu họ tộc, giúp cho họ vượt qua được mọi khó nhọc, gian khó của đời thường. Chả thế mà nhà triết học La Rochefoucauld (1613 - 1680) đã từng chỉ dạy: “Con người ta không hề quá sung sướng hoặc quá đau khổ như người ta tưởng tượng” (On n’est jamais si heureux ni si malheureux qu’on s’imagine). Lời dạy bảo cách đây đã gần 400 năm của Rochefoucauld là cực kỳ quan trọng, cực kỳ cần thiết, cực kỳ thực tế trong đời sống nhân sinh. Nó an ủi, động viên người khốn khổ bình tâm mà vươn lên, mà phấn đấu. Nó cảnh báo cho những ai đang phè phỡn sa hoa những hậu quả của hoan lạc, của đồi trụy mà họ sẽ gặp phải.
Đúng như nữ văn sỹ Antoinette Deshoulières (1638 – 1694) đã hướng dẫn con người muốn có cái khôn ngoan, cái sung sướng phải làm gì khi bà viết: “Để được sung sướng, để được khôn ngoan con người ta phải biết kìm hãm những dục vọng của mình” (Pour être heureux pour être sage, il faut savoir donner un frein ā ses désirs). Chao ôi, thật may mắn cho những ai dẹp bỏ được cái tham, sân, si để đón nhận và cho đi những thương yêu, những lòng nhân ái, luôn biết giúp đỡ người khác, luôn biết ca ngợi cái tốt của người khác để tự đem lại cho mình một hạnh phúc thực sự.
Như vậy, cái công thức sống nào đem lại cho con người sự sung sướng? Đó là: “Trong nhà hòa thuận nhau/Bữa ăn dù đạm bạc/Cái vui cũng dồi dào”. Đó là lời dạy của triết gia phương Đông - Chu Tử, nguyên văn chữ Hán là: “Gia môn hòa thuận/Tuy úng san bất kế/Diệc hữu dư hoan”. Sự hòa thuận là điều không bao giờ tìm thấy trong những gia đình làm giầu bằng mọi thủ đoạn, lại càng không thể có trong những gia đình quan chức tiến thân bằng mọi thủ đoạn. Trong những gia đình này họ đặt tiền bạc lên trên sự hiếu thuận, lên trên lòng biết ơn. Trong những gia đình này, ai ai cũng mang tâm hồn của kẻ nô lệ, sẵn sàng cúi đầu trước quyền lực, cúi đầu trước những địa vị tạm thời đang còn mạnh. Họ không ngờ được rằng, cách đây hàng nghìn năm, nhà triết học cổ đại Seneca đã cảnh báo: “Thuốc độc được uống từ nơi cái cốc bằng vàng” (Nguyên văn tiếng La Tinh là: Venenum in auro bibitur).
Cũng theo cái ý này của Seneca, một thành ngữ nổi tiếng phương Đông cũng đã cảnh báo: “Người không có ngàn ngày vui/Hoa không có trăm ngày tươi tốt” (Nhân vô thiên nhật hảo/ Hoa vô bách nhật hồng). Lời người xưa đã dạy bảo rõ ràng như thế nhưng những kẻ đang sung sướng, đang phè phỡn, đang hoan lạc lại có mắt mà không nhìn nhận ra, cứ tưởng sẽ được như thế mãi mãi, đúng như La Rochefoucauld đã cảnh tỉnh: “Những kẻ sung sướng phè phỡn không mấy khi chịu sửa mình, chúng cứ tưởng mình là phải” (Les gens heureux ne se corrigent guère, ils croient toujours avoir raison). Đến khi hậu qủa ập đến: ra vành móng ngựa, tù tội, bệnh tật... thì đã quá muộn.
Đọc lại lịch sử nhân loại, ta vui mừng nhận thấy đa số các lãnh tụ cách mạng thế giới, các nhà tư tưởng lớn, các văn sỹ, thi sỹ, nhà khoa học lừng danh đều xuất thân từ con nhà nghèo. Trong họ từ lúc nhỏ đã có một mầm mống suy nghĩ mãnh liệt: Phải vươn lên, phải chiến thắng. Họ quyết tâm bằng được để biến mọi ước mơ lúc thiếu niên nghèo khổ trở thành hiện thực lớn lao giúp ích, phục vụ cho giai cấp cần lao, phục vụ cho những người nghèo khổ, yếu thế trong xã hội. Vì thế động lực của họ là vô địch, không gì có thể kìm hãm được, không gì có thể làm họ ngã lòng thoái chí được. Sự giác ngộ để vươn lên của những con người tuyệt vời đó, đã được nhà triết học Edmond Rostand khái quát rất hay: “Khi con người nhận thức được và hiểu rõ sự đau khổ nghĩa là người đó đã biết tất cả. Một vòng tròn của bầu trời đủ cho con người thấy rõ diễn biến của muôn ngàn tinh tú” (Quand on sait regarder et souffrir, on sait tout. Un rond d’azur suffit pơur voir passer les astres).
Vậy cái cơ chế (mécanisme) nào, cái con đường nào, cái phương pháp tư duy nào đã giúp cho con người xuất thân nghèo khổ, thiếu thốn, khó khăn vươn lên mạnh mẽ để có thể cống hiến cho cuộc đời? Tác giả Henry Conscience (1812 – 1883) đã chỉ rõ cái con đường phấn đấu gian khổ đó khi ông khẳng định: “Chính trong lò lửa mà sắt được tôi luyện để trở thành thép. Chính trong sự thống khổ mà con người tìm thấy cái động lực của sức mạnh” (C’est dans la feu que le fer se trempe et devient acier. C’est dans la douler que l’homme trouve la révélation de sa force).
Cao quý thay cái động lực để thoát khổ, thoát nghèo, thoát sự ngu dốt về trí tuệ để vươn lên mạnh mẽ, làm chủ cuộc đời mình. Đó là công việc “Học, học nữa, học mãi” như lời dạy của Lênin. Đó là việc học nghề suốt đời theo quan niệm của nhà thơ Alfred de Musset (1810 – 1857): “Con người là kẻ học nghề / Mà thầy là nỗi ê chề đớn đau / Có ai tự biết được nào / Khi chưa từng để lệ trào ra mi” (L’homme est un apprenti, la douleur est son maître / Et nul ne se connaît tant qu’il n’a pas souffert).
Mong sao tất cả chúng ta đều trở thành những người học nghề sáng dạ, chóng tiến bộ, chóng thành công như lòng mong muốn của thầy Alfred de Musset.