Dệt may chủ động trong biến động
Hội nhập kinh tế đã và đang tác động đến ngành dệt may. Theo ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), các Hiệp định thương mại tự do mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, doanh nghiệp (DN) dệt may cần phải chủ động trước mọi tình huống để có thể tăng trưởng bền vững.
Theo ông Giang, 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm trước. Có thể nói, trong khoảng 5 năm trở lại đây, con số này ấn tượng hơn cả khi tăng ở mức kỷ lục. Đặc biệt năm nay sẽ là năm thứ 7 liên tiếp ngành dệt may Việt Nam không nhập siêu. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vào những thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN... đều tăng trưởng mạnh, tốc độ tăng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017.
Sở dĩ có sự tăng trường này, là do các DN trong ngành đã thích ứng rất nhanh với sự chuyển dịch thị trường. Trong thời gian qua, các DN luôn nỗ lực tìm kiếm thị trường mới để đa dạng thị trường xuất khẩu, hạn chế thấp nhất việc phải phụ thuộc vào một thị trường. Bên cạnh đó, các DN cũng thường xuyên tìm giải pháp thay đổi kết cấu mặt hàng. Những mặt hàng có giá trị gia tăng cao được chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu… Nhờ vậy, giá trị gia tăng trong xuất khẩu dệt may được nâng lên rất nhanh. Đặc biệt, yếu tố quan trọng để ngành dệt may phát triển đó là công nghệ. Ngành dệt may là một trong những ngành bắt kịp xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay có rất nhiều DN dệt may đã bắt đầu dành một nguồn lực đầu tư lớn vào các công nghệ hiện đại, như đầu tư robot, thiết kế bằng laze… phục vụ trong nhiều công đoạn sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả, năng suất của ngành.
Ông Giang cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã và đang có những ảnh hưởng nhất định đến nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành dệt may của Việt Nam. “Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung thực tế có mang lại một số lợi ích cho ngành dệt may nước nhà, đặc biệt là đối với hoạt động xuất khẩu sang Mỹ và việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, những lợi ích này không nhiều, nhất là khi chúng ta vẫn đang phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào”- ông Giang nhận xét.
Để ứng phó với những tác động từ bên ngoài, ông Giang cho biết, Vitas khuyến cáo các DN phải xây dựng được nền tảng dệt may bền vững. Bằng cách các DN cần chú trọng đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại nâng cao năng lực sản xuất để có thể đáp ứng được đòi hỏi của thị trường là giao hàng nhanh, chất lượng sản phẩm cao, đảm bảo an toàn cho môi trường. Đặc biệt, theo tôi, giải pháp quan trọng nhất đó là DN xây dựng chuỗi liên kết hợp tác, từ nguyên phụ liệu tới sản xuất, logistics… để có thể chủ động nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh.
Với câu hỏi, các DN Việt Nam, trong đó có DN dệt may cần làm gì để có thể vượt qua những thách thức, biến rào cản thành cơ hội? Ông Giang cho rằng, ngoài thách thức và thuận lợi tới từ cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các FTA, đặc biệt là CPTPP và kỳ vọng là EVFTA sẽ tạo ra sân chơi có tính toàn diện, rộng mở hơn cho ngành dệt may, nhất là về thị trường và lộ trình giảm thuế xuống 0%. Bên cạnh đó, CPTPP cũng tạo ra lực hút các nhà đầu tư bên ngoài vào lĩnh vực nguồn cung của phụ liệu dệt may vốn đang thiếu hụt. Ngay trong nửa đầu năm nay, dòng vốn đầu tư từ khu vực FDI và khu vực trong nước vào lĩnh vực nguồn cung phụ liệu của ngành dệt may đã có sự chuyển dịch khá nhanh chóng.
Với các FTA Việt Nam đang chuẩn bị thực thi hoặc ký kết sẽ tạo ra 3 thách thức lớn đối với toàn ngành dệt may. Thứ nhất, nếu cộng đồng DN không có tầm nhìn trong xây dựng chuỗi liên kết thì sẽ không lấy được lợi ích từ hiệp định này. Đặc biệt, trong các FTA, các điều khoản đòi hỏi rất khắt khe chứ không như ta tưởng rằng cứ có FTA là có lợi ích. Vì vậy, DN cần phải có nguồn lực tốt đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của đối tác, nhất là trong bối cảnh hiện nay, có nhiều DN nhập khẩu đưa ra điều khoản khắt khe về chất lượng và đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ điều đó thì mới có một thị trường bền vững. Thứ hai là vấn đề công nghệ bởi nếu không tập trung đầu tư cho công nghệ thì dệt may Việt Nam không cạnh tranh được. Thứ ba là các điều khoản trong CPTPP đòi hỏi quy tắc xuất xứ chặt chẽ từ sợi trở đi. “Nói tóm lại DN dệt may phải đạt được các điều khoản chuẩn mực trong đánh giá của đối tác”- ông Giang nói.