Đẩy lùi hủ tục
Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương đã xây dựng các mô hình “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang”. Thành công của các mô hình không những giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, mà còn từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Các khu dân cư cam kết thực hiện triển khai mô hình “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang”.
Trước đây, việc tổ chức các đám tang trên địa bàn tỉnh Hải Dương đa phần diễn ra rườm rà, ăn uống nhiều bữa, nhiều mâm, nhiều hủ tục. Nhà nào có việc hiếu ít cũng làm vài chục mâm cỗ, nhà nhiều lên tới cả 100 mâm. Ai đến thăm viếng cũng mời gọi vào dùng cơm. Hầu hết các đám đều sử dụng rượu, thuốc lá mời khách, sử dụng vàng mã, tiền thật rải khắp đường đưa tang, thuê người khóc mướn... không chỉ khiến con cháu mệt mỏi mà còn gây tốn kém, lãng phí.
Để góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân trong việc tang, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương đã triển khai xây dựng mô hình “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang” và coi đây là đột phá để xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Tại thôn Phúc Lâm, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, hiểu được vai trò quan trọng của các trưởng dòng họ Ban Công tác Mặt trận đã phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể, cán bộ thôn vận động những người này phối hợp để tuyên truyền thực hiện tang văn minh. Bằng sự kiên trì, sâu sát, các đám tang ở Phúc Lâm đã dần đi vào nền nếp.
Giờ đây, khi có người qua đời, đại diện gia đình người mất đến UBND xã làm thủ tục khai tử, đồng thời báo với lãnh đạo thôn để thành lập Ban lễ tang. Ban lễ tang của thôn gồm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn, Trưởng thôn, chi hội trưởng các đoàn thể nhân dân và đại diện gia đình nhà hiếu. Lễ tang được thực hiện chu đáo, trang trọng, tiết kiệm không còn các thủ tục rườm rà, mê tín, lạc hậu.
Còn tại huyện Thanh Miện để thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, Ủy ban MTTQ các xã trên địa bàn đã tổ chức việc kí cam kết tới các đoàn thể, các trưởng thôn, khu dân cư, trưởng các dòng họ và từng hộ gia đình.
Thông qua các hội nghị, hội họp, các tổ chức đoàn thể ở các xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng. Song song với đó đài truyền thanh xã thường xuyên tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc triển khai mô hình.
Trong quá trình tổ chức các xã cũng đã nêu cao vai trò của người cán bộ, đảng viên trong việc gương mẫu đi đầu thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, từ đó tạo sức lan tỏa, được người dân học tập, làm theo.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị địa phương, sự triển khai đồng bộ các biện pháp, sau 2 năm thực hiện, các đám tang trên địa bàn huyện Thanh Miện đều thực hiện nghiêm túc 7 nội dung chính của mô hình như không rải tiền vàng, tiền mặt trên đường đưa tang; không sử dụng thuốc lá trong đám tang; không thuê đội kèn đồng; không khóc thuê khóc mướn; không chặn khách mời cỗ; sử dụng vòng hoa luân chuyển; thực hiện nghiêm túc thời gian đưa tang theo 1 khung giờ. Ước tính việc tổ chức đám tang theo mô hình nếp sống văn minh đã tiết kiệm chi phí từ 30-40 triệu đồng cho mỗi gia đình.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương Huỳnh Tuấn Dương, qua triển khai các mô hình “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang” đã được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân.
Việc xây dựng thành công các mô hình không những giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, mà còn từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng và nhân rộng các mô hình để nếp sống văn minh trong việc tang được thực hiện nghiêm túc và trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa đến từng hộ gia đình.