Cân nhắc khi tăng giờ làm thêm
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Luật Lao động, trong đó có nội dung điều chỉnh thời gian làm thêm giờ tối đa của người lao động từ 300 lên 400 giờ/năm.
Tăng giờ làm thêm cần cân nhắc và không nên cào bằng.
Theo Bộ luật Lao động hiện hành, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 106 quy định số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày. Trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày; không quá 30 giờ trong một tháng và tổng số không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong một năm. Với mức này, lao động Việt Nam có số giờ làm việc thuộc diện cao thế giới. Tuy nhiên do lương không đủ sống nên phần lớn người lao động vẫn phải miệt mài, tranh thủ làm thêm giờ để kiếm sống.
Thực tế kết quả khảo sát ở các địa phương của Bộ LĐTBXH, đời sống công nhân còn khó khăn. Một bộ phận không nhỏ người lao động có nhu cầu làm thêm để tăng thu nhập, góp phần trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó phía chủ sử dụng lao động muốn tăng giờ làm thêm để giải quyết nhu cầu doanh nghiệp, chủ động trong sản xuất, kích thích phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động.
Tại phiên họp đầu tiên của ban soạn thảo sửa đổi Bộ luật Lao động mới đây, đại diện Bộ LĐTBXH cũng cho biết, khi lấy ý kiến đại diện các doanh nghiệp, việc quy định tổng số giờ làm thêm tối đa mỗi năm 200 giờ và 300 giờ trong những trường hợp đặc biệt theo luật hiện nay là rất thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore. Chính vì vậy theo dự thảo mới của Bộ Luật Lao động sửa đổi, người sử dụng lao động có thể huy động người lao động làm thêm giờ, nhưng một ngày không quá 4 giờ và một năm không quá 400 giờ.
Với đề xuất của Bộ LĐTBXH, nhiều chuyên gia cho rằng, giới hạn làm thêm giờ hiện nay (300 giờ) có thể nâng tới 400 giờ chỉ trong trường hợp đặc biệt và gắn với việc tính lương theo lũy tiến. Đồng thời, việc gia tăng giới hạn giờ làm thêm chỉ nên áp dụng ở một số doanh nghiệp đặc thù theo ngành nghề, tuyệt đối không áp dụng với các ngành nghề độc hại. Và doanh nghiệp chỉ áp dụng kéo dài giờ làm việc vào những kỳ phải giao hàng gấp và được sự đồng thuận của người lao động. Tuy nhiên, câu chuyện làm thêm vẫn chỉ là biện pháp tình thế. Người lao động cực chẳng đã mới phải làm thêm giờ. Về lâu dài, phải tìm giải pháp tăng chất lượng, năng suất lao động, năng lực quản lý, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo lương đủ sống để công nhân bớt khổ, người lao động bớt bị bóc lột thời gian, sức khỏe.
Xung quanh về đề xuất tăng giờ làm thêm, trao đổi với báo chí, ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) cho biết, những năm trước đây, khi bàn tới việc xây dựng Luật Lao động năm 2012, Tổng LĐLĐVN đã phản đối đề xuất tăng thêm thời gian làm thêm giờ được một số đơn vị đưa ra. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, có thể xem xét theo hướng “nới rộng” thêm giới hạn giờ làm thêm hơn 200 giờ/năm. Việc này phần nào sẽ tạo sự linh hoạt cho DN, nhưng chế độ chi trả giờ làm thêm nên tính theo phương pháp lũy tiến. “Giới hạn làm thêm giờ hiện nay (300 giờ) có thể nâng tới 400 giờ chỉ trong trường hợp đặc biệt và gắn với việc tính lương theo lũy tiến. Đồng thời, việc gia tăng giới hạn giờ làm thêm chỉ nên áp dụng ở một số doanh nghiệp đặc thù theo ngành nghề hoặc sử dụng đông lao động” - ông Quảng nói.