Động vật lười biếng có nguy cơ tuyệt chủng ít hơn
Những loài sử dụng nhiều năng lượng nhất trong đời sống hàng ngày sẽ chết nhanh hơn động vật dùng ít năng lượng, theo các nhà sinh vật tiến hóa.
Các loài có tỷ lệ trao đổi chất thấp có khả năng sống sót cao hơn. Ảnh: Alamy. Các nhà khoa học nghiên cứu gần 300 động vật thân mềm sống và chết ở Đại Tây Dương trong 5 triệu năm qua phát hiện mức độ trao đổi chất cao quyết định loài nào sẽ tuyệt chủng, theo Guardian. Ốc biển, sên biển, trai và điệp đốt cháy nhiều năng lượng nhất trong đời sống hàng ngày nhiều khả năng chết sớm hơn các loài họ hàng dùng ít năng lượng hơn, đặc biệt khi chúng sống ở môi trường đại dương. Dù nguyên nhân tuyệt chủng rất đa dạng và phức tạp, nghiên cứu xuất bản hôm qua trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B phát hiện mối liên hệ mới giữ tỷ lệ động vật sử dụng năng lượng để phát triển và duy trì các mô trong cơ thể với thời gian chúng tồn tại trên Trái Đất. "Tỷ lệ trao đổi chất càng thấp, khả năng sống sót của các loài càng cao hơn", Bruce Lieberman, giáo sư sinh thái và sinh vật học tiến hóa ở Đại học Kansas, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết. Các nhà khoa học kiểm tra 299 loài động vật chân bụng như ốc và sên, và động vật hai mảnh vỏ gồm trai và điệp sống ở phía tây Đại Tây Dương trong khoảng thời gian từ thế Thượng Tân cách đây hơn 5 triệu năm đến ngày nay. Khi nhóm nghiên cứu tính toán tỷ lệ trao đổi chất của mỗi loài, họ nhận thấy năng lượng 178 loài đã tuyệt chủng sử dụng khác biệt đáng kể với những loài còn sống ngày nay. "Cách giải thích hợp lý là các loài chậm chạp hay lười biếng có nhu cầu về năng lượng và thức ăn thấp hơn, do đó có thể chống chọi với điều kiện khó khăn", Lieberman nói. Nghiên cứu có thể giúp các nhà bảo tồn dự đoán tốt hơn loài nào nhiều khả năng tuyệt chủng khi biến đổi khí hậu toàn cầu gây trở ngại cho sản xuất thức ăn. Bước tiếp theo là xác định quá trình trao đổi chất có giữ vai trò nào đó trong tốc độ tuyệt chủng của những động vật khác hay không, bao gồm loài sống trên cạn. Theo Vnexpress