Băn khoăn hiệu quả thu phí lòng đường
Gần một tháng sau khi triển khai thu phí trên 23 tuyến đường ở quận 1, 5 và 10 (TP HCM), nhiều người đang tỏ ra lo ngại về tính hiệu quả của dự án này. Theo đó, nếu dự án thực sự giảm được số lượng xe ô-tô tại các tuyến đường thu phí thì có nghĩa, thành phố lại buộc phải bù tiền ngân sách để duy trì dự án và ngược lại.
Vẫn nhiều băn khoăn đề án thu phí xe đậu ở đường.
Dự án thất thu
Trao đổi với báo chí, ông Ngô Hải Đường, trưởng phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT) cho rằng, đề án thu phí này bước đầu đã có những tín hiệu tích cực, lạc quan.
Cụ thể, tình trạng xe ô-tô đậu ở 23 tuyến đường thu phí này đã giảm xuống rất nhiều. Nếu như trước kia, nhiều xe ô-tô đậu cả ngày chỉ mất phí 5.000 đồng thì nay, do mức phí cao, lại tính cộng dồn theo giờ nên chủ xe không dám đậu nữa. Đây cũng là mục đích chính của dự án, hạn chế tình trạng xe ô-tô đi vào khu vực trung tâm thành phố để giảm ùn tắc, kẹt xe.
Tuy nhiên, chính ông Đường cũng thừa nhận, việc quá ít xe đậu ở lòng đường như trước đã khiến cho dự án này bị thất thu nặng nề, không đúng so với mục tiêu ban đầu. Thống kê mỗi ngày, tất cả các tuyến đường này chỉ thu về khoảng 11 triệu đồng tiền phí đậu xe. Trong khi đó, theo dự kiến của một số chuyên gia qua thống kê, thành phố có thể thu được khoảng 30 tỷ đồng với 35 tuyến đường. Vì vậy, so với thực tế áp dụng ở 23 tuyến đường có thể thấy, các tính toán dự báo ban đầu đã bị sai lệch rất nhiều.
Ngoài ra, ông Đường cũng nêu thông tin, rất nhiều tài xế, nhất là tài xế chạy xe dịch vụ taxi với đặc điểm thường xuyên di chuyển đã cố tình chây ì, không chấp hành việc đóng phí khi dừng, đậu xe tại các tuyến đường như quy định. Nhiều tài xế nói chỉ đậu xe có vài phút khi nhân viên tới kiểm tra nhưng lại dừng, đậu cả tiếng đồng hồ. Và tất nhiên, nhân viên thu phí không thể đứng đợi từng ấy thời gian để xác định tài xế đậu trong bao lâu.
Đặc biệt, nhiều tài xế còn đậu ở tuyến đường này 20-30 phút, khi có khách lại tiếp tục chạy rồi đậu ở góc khác, tuyến đường khác cũng trong thời gian ngắn như vậy. Điều này không chỉ gây khó cho việc thu phí mà còn khiến cho các xe khác không có chỗ đậu.
Vẫn nhiều băn khoăn
Theo nhiều người dân, hiện nay tình trạng dừng, đậu xe ở lòng, lề đường tại khu vực trung tâm TP HCM đang rất khó khăn. Một phần vì phí đậu xe cao, một phần vì các khu vực đậu xe cũng không thực sự thuận lợi. Anh Nguyễn Văn Phước, một tài xế xe taxi công nghệ cho biết, hiện anh đang sử dụng số điện thoại của hãng Mobiphone, nay nếu muốn đậu xe thì phải xài của hãng khác với nhắn tin trả tiền được, rất phiền phức. Ngoài ra, anh cũng cho biết không thường xuyên di chuyển vào trung tâm mà lâu có khách mới dừng, đậu nên việc cài thêm phần mềm, nạp tiền vào phần mềm cũng như đổi số điện thoại là rất bất tiện.
Trong khi đó, một chuyên gia về hạ tầng giao thông cho rằng, bản chất của đường sá là để các phương tiện di chuyển. Khi cho phép thu phí xe dừng, đậu thì tuyến đường đó đã trở thành bãi đậu xe. Việc các tuyến đường, dù ít di chuyển nhưng bị biến thành bãi giữ xe cũng là một bất cập, đi ngược lại với thực trạng đang thiếu hụt hạ tầng, diện tích đường giao thông ở TP HCM.
Và, đây chỉ là phương án tạm thời, không nên phát triển mở rộng thu phí bởi về lâu dài buộc phải xây dựng các bến bãi, nhất là bến bãi ngầm để xe chứ không thể sử dụng đường sá giao thông làm bãi đậu xe được. Như vậy sẽ khiến cho việc ùn tắc thêm phức tạp hơn.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng nhấn mạnh, với thống kê ít xe dừng, đậu ở các tuyến đường đang thu phí không phải là thông tin để kết luận đã hạn chế được phương tiện xe cá nhân ở khu vực trung tâm mà bởi các xe này sẽ tràn ra khu vực khác, đặc biệt là các đường hẻm và đường không không thu phí. Nghĩa là, việc thu phí cao không giúp giảm số lượng xe bởi nhu cầu của người dân phải di chuyển. Nếu không đậu tuyến đường này họ sẽ tìm tới tuyến đường khác. Trong khi đó, cơ quan quản lý không thể thu phí ở tất cả các tuyến đường được!
Trong khi đó, theo tìm hiểu thực tế của chúng tôi, hầu hết các tuyến đường như Lê Lai, Huyền Trân Công Chúa, Hồ Huấn Nghiệp (quận 1) hay Tản Đà, Phạm Hữu Chí (quận 5), Cao Thắng, Nguyễn Thanh Giản (quận 10)… trong số 23 tuyến đường bị thu phí này không nằm trong số các “điểm đen” ùn tắc, kẹt xe mà Sở GTVT thành phố đã thống kê. Đây đều là các đường nhanh, đường rẽ, đường ngang có ít phương tiện tham gia giao thông. Vì thế, việc nhiều hay ít phương tiện ở các tuyến đường này thực tế không phải là thước đo để đánh giá tình trạng ùn tắc, kẹt xe hay số lượng xe ở khu vực trung tâm.
Theo quy định, bắt đầu từ ngày 1/8/2018, TP HCM sẽ thu phí dừng, đậu xe ở 23 tuyến đường tại quận 1,5,10. Khi tài xế dừng, đậu xe ở các tuyến đường này phải trả phí từ 20-25 ngàn đồng/xe/giờ. Ở các giờ tiếp theo, mức phí cũng tính với giá tương tự có quy định sẵn. Tài xế chỉ phải trả tiền phí trong khung giờ từ 6h-24h hàng ngày, ngoài khung giờ trên không mất phí. Việc trả phí này thông qua phần mềm MyParking hoặc tin nhắn số điện thoại hãng Vietel. |