An Giang: Thả trên 7,6 tấn cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản
Sáng 24/8, tại khu vực sông Vàm Nao (một nhánh của Sông Hậu), thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT; phối hợp với Sở NN&PTNT; tỉnh An Giang, Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh An Giang thả trên 7,6 tấn cá giống các loại và 180.500 con cá giống bản địa quý hiếm về với thiên nhiên. Đây là hoạt động thiết thực nhằm góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản cho ngày nay và thế hệ mai sau.
Thả cá giống nhằm tái tạo nguồn thuỷ sản
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, việc thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động nhằm bảo vệ, bảo tồn đa dạng thủy sinh vật, đặc biệt là các loài quý hiếm, có giá trị kinh tế và xuất khẩu, bảo vệ cảnh quan môi trường và hệ sinh thái thủy sinh vật, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở các thủy vực trên địa bàn tỉnh An Giang cũng như khu vực ĐBSCL.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Võ Thị Thanh Vân cho biết, buổi lễ thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại khu vực sông Vàm Nao, huyện Chợ Mới năm nay có chủ đề “Hãy chung tay bảo vệ môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản”. Số lượng cá thả đợt này là trên 7,6 tấn cá giống các loại và 180.500 con cá giống bản địa, loài đặc hữu ở khu vực sông Vàm Nao, sông Hậu, có giá trị như; cá Bông lau (7.500 con), cá Hô (9.800 con), cá Chày (35.000 con), Mè hôi (28.000 con), cá Ét (5.000 con), cá Cóc (20.000 con), Cá Vồ đém (40.000 con), Chạch lấu (10.000 con),…
Theo bà vân, năm 2.000 sản lượng thủy sản tự nhiên của tỉnh An Giang khai thác đạt khoảng 91 ngàn tấn; năm 2015 sản lượng khai thắc là 23 ngàn tấn, đến năm 2017, sản lượng khai thác giảm còn 11,258 ngàn tấn. Có nhiều nguyên nhân làm suy giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên, trong đó việc người dân sử dụng ngư cụ xung điện, chất độc, kích thước mắt lưới nhỏ so với quy định, đánh bắt trong mùa sinh sản, sinh trưởng… đã làm suy giảm nhanh chóng nguồn lợi thủy sản tự nhiên…