Những tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác
Tối 24/8, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam và Thành ủy Hà Nội tổ chức buổi giao lưu điển hình tiêu biểu năm 2018 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã tới dự và trao Kỷ niệm chương cho các tấm gương điển hình tiêu biểu năm 2018.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng dự buổi giao lưu.
Tại buổi giao lưu, anh Sùng Văn Lầu, Bí thư Chi bộ thôn Lũng Vài, xã Côn Lôn, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, anh sinh ra và lớn lên trong gia đình đông con, nghèo đói nên trong lòng anh luôn đau đáu làm sao để bản thân anh và người dân thay đổi được cảnh nghèo đói. Do đó sau khi đi học đại học về anh đã quyết định thay đổi cách thức sản xuất để nâng cao năng suất.
Anh tâm sự: Bà con lâu nay chỉ làm theo những cách truyền thống, có ruộng bậc thang, có đất nhưng không biết làm cách nào để tăng năng suất. Vì thế sau khi về thôn tôi đã quyết định khai phá ruộng đất, và áp dụng đưa khoa học công nghệ vào trong sản xuất tại nhà mình. Rất mừng là năm đầu tiên được mùa cho nên bà con thấy đó mà noi gương làm theo. Đến vụ sau tôi quyết định tăng diện tích sản xuất, không những đủ cho gia đình mà còn bán ra thị trường cho nên bà con tin tưởng và làm theo áp dụng khoa học kỹ thuật. Cá nhân tôi đã dạy bà con phòng trừ sâu bệnh, và bón phân, đến giờ diện tích ruộng đã tăng từ 8 lên đến 15 ha.
Theo anh Lầu, thành công trong công tác dân vận không chỉ dựa vào kinh nghiệm thực tế mà nhờ vào học tập các câu chuyện của Bác Hồ về công tác dân vận. Ví dụ như gần đây mưa đá gió lốc thôn đã bị tốc mái 15 nhà, 1 nhà bị đổ. “Khi thấy cảnh như vậy trong lòng tôi rất buồn, đau xót nên đã chỉ đạo các đảng viên trong thôn cùng nhân dân khắc phục hậu quả chứ không trông chờ cấp trên. Chỉ sau 3 ngày đã khắc phục được hoàn toàn thiệt hại và qua đó người dân ngày càng tin tưởng hơn vào chi bộ”.
Là người gắn bó và lao động tại Công ty TNHH cao su Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước từ năm 2002, anh Lê Quốc Thanh hưởng ứng sự kêu gọi của tập đoàn cao su Việt Nam đó là trong quá trình sản xuất mủ cao su làm sao có được phương pháp để giảm chi phí sản xuất và ô nhiễm môi trường.
“Đau đáu trong lòng làm sao có thể tiết kiệm được chi phí trong quá trình sản xuất nên tôi đã quyết định thử nghiệm cắt giảm máy bông qua đó đã cắt tiết giảm được 45kw điện/h, sau đó tôi tiến hành thử nghiệm bỏ qua máy bơm búa có độ ồn cao, và cũng thấy rằng kết quả sản phẩm vẫn không thay đổi như lúc chưa bỏ máy. Từ đó tôi đã kiến nghị để áp dụng chung trong cả nhà máy và chính thức cắt bỏ 2 máy tiết kiệm được 100kw điện/h. Nhưng muốn cắt giảm được phải có biện pháp kiểm soát nguồn nhiên liệu đầu vào”, anh Thanh nói.
Từ thực tế công việc của mình, anh Thanh nói: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác không khó lắm. Vì Bình Phước là thủ phủ cao su, gia đình tôi và các hộ dân sống từ cây cao su, khi làm công nhân công ty luôn động viên các công nhân cố gắng học tập cho nên đã cho chúng tôi đi học thêm bổ tục văn hóa, trung cấp, cao đẳng nghiệp vụ. Đặc biệt khi giá mủ cao su xuống thấp, công ty vẫn quan tâm đến đời sống của người lao động, các chế độ phúc lợi. Từ đó tôi cảm thấy yêu nghề và gắn bó với công ty. Từ công việc hàng ngày tôi và các công nhân vốn là các đoàn viên trong chi đoàn luôn coi “công xưởng là nhà”.
Còn Đại úy Đoàn Tư Thiên, công tác tại Ban chính trị, Ban chỉ huy quân sự huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông được sinh ra trong gia đình cách mạng, có mẹ là mẹ Việt Nam anh hùng vì thế trong tâm thức sống anh quan niệm luôn phải có trách nhiệm với gia đình và công việc mình làm, nhất là công việc của anh là giải quyết hồ sơ cho các gia đình chế độ chính sách nhận trợ cấp.
Anh chia sẻ: Hồ sơ thương bệnh binh nên phải tỉ mỉ, chính xác. Nếu để sai xót sẽ ảnh hưởng đến tập thể đơn vị, quyền lợi của con người có công với cách mạng. Để hoàn chỉnh 1 bộ hồ sơ không hề dễ dàng khi không có giấy tờ, phải xác minh ở nhiều nơi. Khi xác minh xong mới yên tâm và kết luận để hoàn thiện hồ sơ gửi lên trên, hạn chế đến mức thấp nhất sai xót. “Công việc tuy vất vả nhưng khi đối tượng chính sách đựợc hưởng chế độ họ vui thì mình cũng vui vì đã giúp họ nhận được quyền lợi chính đáng của Đảng, nhà nước dành cho người có công”-anh Thiên nói và cho biết trong quá trình xét duyệt 1250 bộ hồ sơ thì đến nay đã có 1174 trường hợp được xét duyệt, qua đó đảm bảo 100% 1174 trường hợp này được hưởng BHYT trọn đời.
Trong khi đó, chia sẻ về việc học tập làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, ông Nguyễn Anh Vũ, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho rằng, khi làm nhiệm vụ là phải hoàn thành. Khi đã làm công tác cứu nạn thì không phân biệt màu da, quốc tịch mà cứ có nạn là cứu. Nhưng điều khiến ông Vũ đau đáu lo lắng chính là ngư dân của ta đánh bắt trên biển thiếu kỹ năng để thoát nạn, hàng năm có hàng trăm người chết, mất tích trên biển là nỗi đau đáu. “Một vụ tai nạn mà mất mát quá lớn. Con tàu chìm xuống biển khơi, dù có cứu được người nhưng còn hết sức trăn trở khi dù bảo vệ được tính mạng cho ngư dân nhưng còn tài sản là cơ nghiệp của người dân lại đắm nằm dưới đáy biển là nỗi day dứt lớn”, ông Vũ nói.
Ông Võ Văn Thưởng trao Kỷ niệm chương cho các tấm gương điển hình tiêu biểu năm 2018.
Tại buổi giao lưu, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã trao Kỷ niệm chương cho các tấm gương điển hình tiêu biểu năm 2018.
Một số hình ảnh các đại biểu tại buổi giao lưu: