Khó thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại
Ngày 24/8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự. Các ý kiến cho rằng, đây là dự án luật quan trọng bên cạnh Bộ Luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp.
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, luật lần này có phạm vi sửa đổi rộng, sửa đổi 92/182 điều, bổ sung 52 điều, bãi bỏ một mục và thay đổi kết cấu của Luật Thi hành án hình sự năm 2010. Do đó, Chính phủ đề nghị đổi tên gọi của luật là Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Dự thảo đã bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân để phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 liên quan đến quyền con người, quyền công dân; việc thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại.
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, cần đánh giá tác động cụ thể hơn việc sửa đổi, bổ sung các phương án khác nhau quy định về thi hành án phạt tù. Ví dụ, phương án quy định phạm nhân có thể được hưởng các quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người; quy định về Ban tự quản phạm nhân; vấn đề phối hợp giữa các trại giam với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dạy nghề để phạm nhân có thể lao động, học nghề ngoài trại giam. Đồng thời, cần xem xét, thu thập ý kiến của đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự án luật là các pháp nhân thương mại và cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án hình sự đối với pháp nhân.
Các ý kiến cũng cho rằng, nội dung sửa đổi bổ sung của dự thảo luật với nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ như: thi hành biện pháp tha thù có điều kiện; thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân do đó phải tham khảo tài liệu kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời cần tiếp tục rà soát, bổ sung, đánh giá tính tương thích dự thảo luật cho phù hợp với các công ước quốc tế có liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, đây là dự án luật quan trọng đi cùng Bộ Luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Là luật về trình tự thủ tục cụ thể cho nên không thể nói chung chung. Vấn đề khó nhất hiện nay là việc thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, một vấn đề chúng ta hoàn toàn chưa có thực tiễn.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, nếu dự án luật chuẩn bị chưa kỹ thì không nên đưa ra Quốc hội thảo luận để đỡ mất thời gian, qua đó để Quốc hội dành thời gian thảo luận các dự án luật khác có chất lượng tốt hơn. Nếu dự án luật rất phức tạp, phạm vi tác động rộng, có nhiều ý kiến khác nhau chưa thể thống nhất được thì chúng ta mới đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét tại 3 kỳ họp. Còn nếu vì chuẩn bị chưa kỹ, chưa đến nơi đến chốn thì đề nghị mang về để làm tiếp.
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, rất khó bỏ tù được pháp nhân thương mại, xử lý hình sự với pháp nhân chủ yếu 3 hình thức: Phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, và đình chỉ vĩnh viễn. Phạt thì cơ quan thi hành án thực hiện rồi, còn đình chỉ thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Hay như việc có đối tượng thi hành án tử hình có đơn xin được hiến mô, nhưng không có cách nào xử lý. Do đó, Luật Thi hành án hình sự lần này cần được sửa đổi cho căn cơ. Tinh thần là cố gắng trình ra ở kỳ họp thứ 6 để các ĐB tham gia thảo luận, vì luật này cần lấy ý kiến rộng rãi bởi liên quan đến quyền con người.
Bày tỏ quan điểm cho rằng, luật này nên thông qua trong 3 kỳ họp, bà Lê Thị Nga đề nghị, Bộ Công an tiếp tục hoàn chỉnh luật, phải đánh giá cho đủ về pháp nhân thương mại, đặc biệt là pháp nhân nước ngoài. Phải kiên định mục đích của hình phạt, tính khả thi và khả năng đáp ứng của cơ quan quản lý, cơ quan thi hành án, và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, nhất là mở rộng quyền cho phạm nhân. “Đánh giá cho đúng mới đảm bảo tính khả thi, vướng nhất vẫn là pháp nhân cho nên cần đầu tư nhiều hơn nữa. Đừng làm luật theo kiểu chạy tiếp sức” - bà Nga lưu ý.