Sống được bằng lương?
Theo lộ trình tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 lương tối thiểu sẽ đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và đến năm 2030 công chức sẽ sống được bằng lương.
Nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì “hãy trả lại sự công chính cho bộ máy bắt đầu từ việc xác định tiền lương phải là thu nhập chính”.
Phiên họp thứ nhất, ngày 9/7/2018 của Hội đồng Tiền lương quốc gia, bàn về mức tăng lương năm 2019.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (DN). Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 lương tối thiểu sẽ đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và đến năm 2030 công chức sẽ sống được bằng lương.
Chương trình hành động của Chính phủ nêu rõ: Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2021 thực hiện áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực DN. Thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của DN để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN.
Đối với tiền lương của khu vực công Chương trình hành động nêu rõ: Đến năm 2030, thực hiện nâng mức tiền lương của khu vực công phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước. Tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực DN và điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của khu vực DN trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong DN nhà nước theo phương thức khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của DN.
Đến năm 2021 lương tối thiểu sẽ đảm bảo mức sống tối thiểu và đến năm 2030 công chức sẽ sống được bằng lương, điều này liệu có quá khó thực hiện? Đây là một mục tiêu rất khó khăn bởi đây không phải là lần đầu tiên chúng ta bàn đến chuyện cải cách tiền lương, gần 20 năm qua, chúng ta đã tổ chức rất nhiều đợt để cải cách tiền lương, nhiều lần điều chỉnh lương tăng nhưng rút cục người lao động, cán bộ công chức vẫn không sống được bằng lương.
Để những đối tượng này sống được bằng lương phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đối với khu vực ngoài nhà nước, thì tùy thuộc rất nhiều vào sức khỏe của DN. Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam vẫn nằm trong top thấp của khu vực. Giải bài toán lương đồng nghĩa phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ rào cản giúp các DN phát triển đồng thời phải cải thiện năng suất lao động của Việt Nam, có như vậy mới tính đến chuyện nâng lương cho người lao động được.
Còn đối với khu vực công, công cuộc tăng lương còn khó khăn hơn nhiều bởi, với đội ngũ hưởng lương từ ngân sách hùng hậu như hiện nay khoảng 11 triệu người ngốn tới 70% ngân sách thì khó nói chuyện tăng lương nếu không giảm bớt những người bám vào ngân sách này bằng những chính sách tinh giản biên chế. Thế nhưng tinh giản biên chế dẫu có được đẩy mạnh thì kết quả còn khá khiêm tốn.
Thế nhưng không thể không tăng lương, bởi đi làm mà lương chỉ mang tính động viên, không đủ nuôi sống chính bản thân thì liệu có ai tâm huyết mà dốc sức với công việc. “Hãy trả lại sự công chính cho bộ máy bắt đầu từ việc xác định tiền lương phải là thu nhập chính. Một Chính phủ muốn liêm chính là một Chính phủ phải đủ sức trả lương cho bộ máy dưỡng liêm” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã từng đặt vấn đề như vậy.
Từ năm 2004-2018, 12 lần điều chỉnh hệ số lương công chức vẫn không sống được bằng lương.
Nhưng lấy gì để trả lương cao, để cán bộ công chức sống đàng hoàng, sống công chính và dưỡng liêm. Một chiếc bánh được giới hạn, chia cho chừng đó người thì chia kiểu gì cũng không thể có miếng bánh lớn hơn. Chỉ còn cách làm chiếc bánh to hơn hoặc bớt người ăn lại. Hãy cố gắng tăng nguồn thu thật tốt để tăng ngân sách, nhưng phải quyết liệt giảm biên chế (nhất là số vác ô đi về sớm tối), ở bất cứ ngành nào, lĩnh vực nào. Không làm được điều này thì mọi thứ sẽ vẫn như cũ.
Cùng với giảm biên chế là cắt giảm chi tiêu công, ngay cả việc khoán xe công đến nay vẫn chỉ làm thí điểm một vài cơ quan, đơn vị. Hạn chế tối đa dùng tiền ngân sách để tổ chức hội nghị hội thảo, công tác nước ngoài, xây dựng trụ sở, tượng đài, quảng trường và những hoạt động lễ lạt lãng phí. Còn nữa, kế hoạch sáp nhập một số bộ ngành, địa phương phải được triển khai, mạnh dạn sắp xếp các bộ ở trung ương cho đến cấp địa phương để có được bộ máy tinh gọn và tinh thông nghiệp vụ. Họ xứng đáng được nhận lương cao và Nhà nước có đủ tiền để trả cho bộ máy tinh gọn này.
Công bằng mà nói, hiện chúng ta có nhiều cơ sở để tin rằng cải cách tiền lương lần này sẽ có bước đột phá. Bởi, công cuộc tinh giản biên chế của chúng ta bắt đầu có những câu trả lời tích cực (từ năm 2015 đến ngày 6/8/2018 là 39.823 người) và mới đây trong phê duyệt chỉ tiêu biên chế, Thủ tướng đã chốt số biên chế giảm hơn 5.000 người so với năm trước. Chưa kể các bộ, ngành, địa phương gần đây đã quyết liệt tinh gọn bộ máy bằng các cuộc sáp nhập, nhất thể hóa mang tính lịch sử. Như vậy, số người hưởng lương từ ngân sách ắt sẽ giảm bớt đi, ta sẽ có cơ sở tăng lương cho những người ở lại.
Lương phải trả đúng năng suất lao động
Theo bà Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, phải trả lương theo đúng năng suất lao động, hiệu quả, chất lượng công việc. Nói cụ thể hơn là phải trả lương theo đúng vị trí việc làm, chứ không phải như trước đây, ngạch chuyên viên chia làm nhiều bậc; chuyên viên, chuyên viên chính cũng vậy. Vì thế, cùng một vị trí công việc, nhưng mức lương của mọi người lại khác nhau. Người ta lại nói, đi làm 50 năm mới hết được các thang bậc lương là chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, như thế rất khó.
Bà Bùi Thị An.
“Tôi nghĩ cải cách tiền lương gắn với tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy. Cái bánh ngân sách của chúng ta rất hạn hẹp, bộ máy lớn nên không thể nào làm công hưởng lương gấp đôi, ba lần. Vì thế, nếu thực hiện tinh giản biên chế gắn với tinh gọn bộ máy, việc trả lương sẽ thích hợp hơn. Ví dụ, một vị trí việc làm chỉ cần một người thì tại sao chúng ta phải tổ chức đến 3, 4, 5 người. Khi tinh gọn biên chế, chúng ta dồn khoản tiền lương vốn chia đều cho 5 người xuống còn 1, 2 người thì người lao động được hưởng lương phù hợp nuôi sống được mình, gia đình. Và, Nhà nước cũng rất tinh gọn bộ máy và tinh giản được biên chế. Rõ ràng số lượng người hưởng lương từ ngân sách quá đông nhưng ngân sách thì eo hẹp là một sự mất cân đối”- bà An nói.
Vẫn theo bà An, để cải cách tiền lương, một trong những nhiệm vụ tiên quyết, đột phá là sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ.
Phải giải cho được vòng luẩn quẩn bộ máy và tiền lương
Ông Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) cho rằng, cứ mỗi lần Quốc hội họp lại được nghe những lời tâm huyết của các vị đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất về những bất cập trong bộ máy nhà nước. Nào là tổ chức bộ máy cồng kềnh, biên chế nhiều, tham nhũng không giảm mà lại gia tăng. Trong khi định cải cách lương cán bộ, công chức thì lại không biết lấy tiền ở đâu. Rất nhiều sáng kiến được đưa ra. Thậm chí có sáng kiến từ khá lâu, nhưng chưa được thực hiện. Cũng có những sáng kiến mới. Cái nào cũng thấy đúng cả, nên làm cả. Nhưng lạ một điều là mọi thứ sau đó cứ thế âm thầm trôi qua và đến kỳ họp sau của Quốc hội, khi bàn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì lại được nghe lương công chức như vậy là không đủ sống, lỡ mấy lần chưa cải cách, lần này phải làm.
Ông Đinh Duy Hòa.
“Phải làm, nhưng làm thì tiền đâu để tăng lương, mà bộ máy lớn như thế này thì phải thu nhỏ lại đã, cán bộ, công chức đông thế này thì phải giảm đã, nếu không thì tiền thuế của dân cũng không nuôi nổi… Đúng là cái vòng luẩn quẩn, cứ thít mãi khó mà gỡ ra được! Mấy chục năm qua, ít nhất cũng có vài đợt giảm biên chế, lần giảm biên gần nhất là lần chế độ, chính sách giảm biên rộng rãi, hào phóng nhất. Tuy nhiên, tất cả các đợt giảm biên đều không đạt mục tiêu, kết quả đề ra, mà Nhà nước còn mất một khoản chi đáng kể từ ngân sách. Dưới góc độ lý thuyết, ý kiến của các vị đại biểu về giải pháp, biện pháp cải cách đều đúng cả. Nhưng từ góc độ thực tiễn thì rất khó khả thi”- ông Hòa nêu ý kiến.