Đến hẹn lại... lạm thu
Gần đây mạng xã hội xôn xao về bức thư do Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (Lê Chân, Hải Phòng) ký, gửi tới phụ huynh về kế hoạch bổ sung trang thiết bị giảng dạy, học tập, tổng số tiền lên đến trên 900 triệu đồng, đề nghị phụ huynh phải đóng các khoản tự nguyện.
Hay câu chuyện của một phụ huynh Trường Tiểu học Đông Vệ 2 (Thanh Hóa) về việc mỗi phụ huynh có con vào lớp 1 phải đóng 1,3 triệu đồng để mua bàn, ghế và một số đồ dùng phục vụ dạy, học... khiến dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh thêm phần lo lắng về các khoản thu đầu năm học.
Có phụ huynh lý giải, đã thành thông lệ bất thành văn, học sinh cứ vào lớp 1 là sẽ phải đóng một khoản quỹ “xã hội hóa” dành cho việc mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất. Tùy vào quy mô, danh tiếng của ngôi trường, số tiền “xã hội hóa” sẽ được đóng khác nhau, có trường là vài trăm nghìn, nhưng cũng có trường lên tới cả vài triệu đồng. Tiền đóng này không có hóa đơn, không có chứng từ ngoại trừ chữ ký xác nhận của phụ huynh học sinh vào một quyển sổ của nhà trường. Số tiền sẽ được đầu tư vào việc gì, chi như thế nào, phụ huynh học sinh hoàn toàn không biết hoặc chỉ biết sơ sơ qua thông báo của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo), lạm thu trong trường học không phải là vấn đề mới, năm nào cũng bàn đến, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc, thanh tra, kiểm tra, xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Có thể nói, khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, những người thực hiện chủ trương lại chưa hiểu đúng, làm đúng pháp luật về kêu gọi xã hội hóa trong giáo dục. Việc không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp. Đây là lý do ở một số địa phương, đặc biệt người đứng đầu các cơ sở giáo dục đã thực hiện chưa đúng quy định, dẫn đến tình trạng lợi dụng hội phụ huynh học sinh, tình trạng áp đặt, cào bằng để thu tiền như ở Hải Phòng, Thanh Hóa...
Được biết, trước khi bước vào năm học mới 2018 - 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có Công văn số 1029/BGDĐT-KHTC ngày 19/3/2018 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo và cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục và chống lạm thu năm học 2018 - 2019, trong đó đã quán triệt các cơ sở giáo dục thực hiện các khoản thu theo đúng quy định, không thu các khoản thu trái quy định... Thế nhưng, các hoạt động biến tướng để thu tiền của học sinh, phụ huynh với danh nghĩa “tự nguyện” như ở đất Cảng vẫn cứ lặp lại và được dự đoán là sẽ diễn ra ở khắp nơi.
Đặc biệt, Bộ GDĐT đã chủ động chỉ đạo các Vụ, Cục chức năng liên quan rà soát để sửa đổi Thông tư 55 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, quy định rõ những việc được - không được làm của Hội cha mẹ học sinh nhằm hạn chế tình trạng ban phụ huỵnh ở mỗi lớp chính là “cánh tay nối dài” của nhà trường, của cô giáo trong việc lạm thu.
Từ câu chuyện kêu gọi sửa chữa cơ sở nhưng làm không đúng như Hải Phòng cho thấy, tư duy, cách thức thu, quản lý tài chính từ nguồn xã hội hóa vẫn trong tình trạng áp đặt. Việc huy động xã hội hóa kiểu này sẽ gây ra bức xúc cho người nộp, dù tinh thần thu là tự nguyện.