Giảm thời gian chờ khám cho người bệnh

Xuân Thủy 27/08/2018 07:00

Tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, thời gian chờ khám bệnh đã rút ngắn khá nhiều so với trước đây. Thế nhưng ở bệnh viện tuyến trung ương thời gian chờ khám vẫn còn dài, gây sự mệt mỏi, căng thẳng cho người bệnh. Mới đây ngành Y tế đã yêu cầu các bệnh viện thực hiện ngay những giải pháp cụ thể để rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh.

Theo Bộ Y tế, hiện nay tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, thời gian chờ khám của người dân đã giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, tại các bệnh viện tuyến trung ương, người bệnh vẫn phải chờ rất lâu. Người bệnh đi khám nhịn ăn sáng, xếp hàng lấy số từ 5 - 6 giờ sáng nhưng phải đến 8 - 9 giờ mới được khám. Những trường hợp phải làm thêm các xét nghiệm sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng… thì có thể kéo đến chiều.

Chính vì vậy, Bộ Y tế đưa ra mục tiêu: Bằng mọi giải pháp quyết liệt để người bệnh không phải đợi quá lâu. Các bệnh viện phải đặt quyền lợi của người bệnh lên trước để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng giờ khám, bàn khám, khám sớm và có thể tính đến giải pháp khám sau 17 giờ và hẹn khám theo giờ.

Để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh của người dân, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố, các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn quốc thực hiện nghiêm túc các giải pháp nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh. Điều tiết nhân lực và các buồng khám phù hợp với nhu cầu khám bệnh của người dân.

Cùng với đó, các cơ sở y tế tiếp tục thực hiện nghiêm và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình khám bệnh, giảm thủ tục hành chính và giảm thời gian chờ khám bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu các bệnh viện phải tăng cường công tác truyền thông, vận động để người dân thay đổi thói quen chỉ đến khám vào buổi sáng. Đối với người mắc bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính trong trường hợp chỉ đến khám để cấp thuốc hoặc cho đơn thuốc, không phải thực hiện xét nghiệm cần hướng dẫn và hẹn khám vào buổi chiều để giảm áp lực khám vào buổi sáng tại bệnh viện.

“Các bệnh viện tuyến trên phải tập trung khám, chữa các bệnh theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, các bệnh mà tuyến dưới không thực hiện được; phải tuyên truyền, vận động, tư vấn để các trường hợp đến khám, kiểm tra sức khỏe nhưng không cần điều trị hoặc tái khám ở bệnh viện tuyến trên thì đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là tuyến y tế cơ sở để vừa bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT, vừa giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên” - Chỉ thị mới đây của Bộ Y tế nêu rõ.

Theo tinh thần Chỉ thị số 847/CT- BYT về các giải pháp để bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế khi thực hiện điều chỉnh giá khám chữa bệnh (KCB), đối với việc chỉ định sử dụng dịch vụ, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh phải tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, đúng các qui định chuyên môn trong việc chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng; tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú theo đúng qui định; nâng cao chất lượng điều trị để giảm thời gian điều trị nội trú của người bệnh.

Các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm các giải pháp giảm quá tải, trường hợp quá tải phải chuyển người bệnh xuống tuyến dưới, sang các cơ sở khám chữa bệnh khác trên địa bàn. Chỉ được kê thêm giường để người bệnh không phải nằm ghép đối với trường hợp thực sự quá tải. Không kê thêm giường bệnh trong trường hợp không sử dụng hết số giường theo kế hoạch được giao.

Xuân Thủy