Cảnh giác với biểu hiện đau mỏi chân tay kéo dài ở trẻ
Đau mỏi chân tay kéo dài đến khi trượt chân té gãy xương, bé Bùi Gia M. đến bệnh viện điều trị. Qua các kết quả thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị ung thư xương.
Đó là trường hợp của bé Bùi Gia M. (8 tuổi, ngụ tại Trà Vinh). Thông tin từ gia đình cho hay, trước khi phải nhập viện cấp cứu vì gãy xương, bệnh nhi có biểu hiện đau mỏi chân tay, cơ thể xanh xao, gầy yếu. Tuy nhiên, gia đình khó khăn nên không có điều kiện đưa bệnh nhi đi thăm khám, điều trị.
Chân phải của bệnh nhi sưng phù do ung thư xương nhưng không được điều trị kịp thời.
Khi đi học, bé bị trượt té gãy chân, gia đình đưa đến bệnh viện địa phương điều trị. Sau khi thương tích tạm lành, cháu xuất viện, nhưng tình trạng đau mỏi không khỏi. Bệnh nhi tiếp tục bị té gãy chân, phải chuyển lên Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, TP HCM điều trị. Xương gãy được phẫu thuật kết hợp song chậm lành. Các xét nghiệm kiểm tra cho thấy bệnh nhi bị ung thư xương.
Do điều kiện gia đình khó khăn, sau khi điều trị tình trạng gãy xương, bé không được chăm sóc, điều trị ung thư. Mới đây, chân bệnh nhi sưng phù, có nguy cơ hoại tử, buộc phải chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ nhận định đây là ca bệnh nặng, dự kiến bệnh viện sẽ hội chẩn liên chuyên khoa, hội chẩn liên viện với Bệnh viện Ung Bướu để tìm giải pháp điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhi.
Thông tin chuyên môn từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chỉ ra: Ung thư xương là tình trạng xuất hiện khối u ác tính trong xương. Khối u này phát triển rất nhanh và liên tục, xâm lấn tiêu diệt các cơ quan xung quanh. Tốc độ di căn của ung thư xương cao gấp 3 đến 4 lần so với các dạng ung thư khác.
Ung thư xương có tần suất mắc cao ở trẻ em và trẻ vị thành niên, việc điều trị khá khó khăn. Để kịp thời phát hiện, điều trị sớm cho bệnh nhân, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh khi thấy con thường xuyên than đau mỏi chân, tay nên đưa con đi gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, điều trị.