Mỗi năm Việt Nam có khoảng 41.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh
Ngày 27/8, tại TP Thanh Hóa, Hội thảo cung cấp thông tin về tầm quan trọng và lợi ích của việc tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã được tổ chức.
PGS Nguyễn Viết Nhân - Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sau sinh (Đại học Y dược Huế) dẫn thống kê, năm 2017 dân số của Việt Nam khoảng hơn 93 triệu người, số trẻ sinh ra khoảng 1,4 triệu trẻ. Với tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh chiếm tỷ lệ 1/33 trẻ mới sinh ra thì mỗi năm tại Việt Nam có khoảng hơn 41.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh, tương đương cứ 13 phút có một trẻ mắc dị tật bẩm sinh được sinh ra. Đáng lưu ý, số trẻ sơ sinh tử vong do dị tật bẩm sinh khoảng hơn 1.700 trẻ (chiếm tỷ lệ 11%), số trẻ mắc dị tật bẩm sinh còn sống sau giai đoạn sơ sinh là khoảng 40.039 trẻ, gần bằng dân số của huyện Quang Hóa (tỉnh Thanh Hóa).
Theo PGS Nhân, gánh nặng trẻ em mắc dị tật bẩm sinh khi sinh ra khá nhiều là nỗi trăn trở của ngành y tế và ảnh hưởng đến chất lượng của dân số. Vì vậy, cần đẩy mạnh triển khai các biện pháp sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị các bệnh rối loạn chuyển hóa di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh.
Thống kê của ngành y tế cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng gần 1,5 triệu trẻ em mới được sinh ra. Đáng lưu ý, mỗi năm có khoảng 1.400-1.800 trẻ bị mắc bệnh Down, khoảng 250-250 trẻ mắc hội chứng Edwards, có 1.000-1.500 trẻ bị dị tật ống thần kinh, 300-400 trẻ bị suy giáp bẩm sinh, đặc biệt có khoảng 15.000-30.000 trẻ bị thiếu men G6PD, có khoảng 2.200 trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh…
Phân tích về vai trò trong việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh, bác sĩ Nguyễn Hữu Dự - Giám đốc BV Phụ sản TP Cần Thơ cho hay, theo số liệu nghiên cứu của thế giới và trong nước, tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở Việt Nam chiếm khoảng 1,5-2% số trẻ sinh ra hàng năm. Năm 2012, khu vực ĐBSCL có khoảng 4.000-5.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh.
Việc sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị các bệnh rối loạn chuyển hóa di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh. Mục tiêu của chiến lược nhằm nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật và tử vong ở trẻ em, thu hẹp đáng kể sự khác biệt và các chỉ báo sức khỏe trẻ em giữa các vùng miền.