Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ nồng ấm: Phương Tây lo ngại

Linh Chi 28/08/2018 08:40

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang dần trở nên nồng ấm hơn, khiến cho phương Tây lo ngại về khả năng chia rẽ trong khối NATO, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang có bất đồng ngoại giao sâu sắc với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới vụ bắt giữ mục sư Andrew Brunson.

Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ nồng ấm: Phương Tây lo ngại

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. (Nguồn: RT).

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng này viết trên Twitter rằng mối quan hệ Mỹ-Thổ “đang không tốt trong thời điểm hiện tại!” và tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt chính quyền Ankara, khiến cho đồng Lira của nước này sụt giá ghê gớm. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cùng ngày hôm đó, hai bên hứa hẹn sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và thương mại.

Việc thay đổi đối tác là điều thường thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước vốn có vị trí địa lý chiến lược khi nằm giữa châu Á và châu Âu, và cũng là nước thường bị kéo vào các vấn đề địa chính trị ở khu vực Trung Đông. Bất chấp tình trạng kinh tế đang khó khăn, Tổng thống Erdogan vẫn tỏ ra cứng rắn, ra tín hiệu rằng ông có thể tìm kiếm các đối tác thay thế thay vì khối đồng minh truyền thống.

Theo quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, “Mỹ đã trở thành một mối đe dọa còn hơn cả Nga” liên quan tới nhiều vấn đề quan trọng - ông Sener Akturk, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế thuộc ĐH Koc, trụ sở ở Istanbul, nhận định. Mối đe dọa đó đã biến Mỹ thành “một đồng minh vẫn có thể giữ, nhưng cùng lúc Ankara vẫn cần cân bằng qua sự hợp tác với Nga”.

Xung đột giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm việc Mỹ hỗ trợ quân sự cho các chiến binh người Kurd ở Syria - những kẻ mà chính quyền Ankara coi là khủng bố - hay việc Mỹ từ chối dẫn độ giáo sỹ Fethullah Gulen, người mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là đứng đằng sau âm mưu đảo chính năm 2016; và cuối cùng là việc mục sư Mỹ Andrew Brunson bị giam giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ do các cáo buộc liên quan tới khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã cam kết mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất-đối-không S-400 của Nga, và sẽ nhận đợt giao hàng đầu tiên bắt đầu từ năm sau. Giới chức Mỹ và NATO cho rằng hệ thống S-400 của Nga xung đột với trang thiết bị của NATO và sẽ dẫn tới nhiều lỗ hổng an ninh.

Để phản ứng, Tổng thống Trump trong tháng này đã ký một dự luật tạm thời ngừng chuyển giao các phi cơ chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, ông Trump cũng chỉ trích các đồng minh trong khối NATO, nói rằng họ nên mở thêm hầu bao dành cho quốc phòng và bớt phụ thuộc vào Mỹ.

Ông Akturk nói rằng việc Ankara thỏa thuận mua vũ khí của Nga là hợp lý bởi các đồng minh phương Tây thường xuyên trì hoãn các thỏa thuận quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ mỗi khi giữa hai bên có tranh cãi về mặt chính trị hay vấn đề nhân quyền.

Trong khi đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lại đang dần phục hồi mối quan hệ kể từ sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay quân sự của Nga vào năm 2015 ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin đã gặp gỡ ít nhất 11 lần tính từ hồi tháng 8/2016 đến nay. Đáng chú ý nhất trong mối quan hệ giữa hai nước là việc nối lại một thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí thông qua Thổ Nhĩ Kỳ và kế hoạch của Nga trong việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Hướng tiếp cận trên “đã cho thấy một mức độ thực dụng trong mối quan hệ này”- bà Anna Arutunyan, chuyên gia phân tích kỳ cựu thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế có trụ sở ở Moscow, Nga, nhận định.

Nga, cùng với Iran, hiện đang hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến ở nước này. Thổ Nhĩ Kỳ lại hỗ trợ một số nhóm nổi dậy chống lại ông Assad. Tuy nhiên, bất chấp việc hai bên ủng hộ các phe phái khác nhau, hai nước vẫn đang hợp tác với nhau.

Thổ Nhĩ Kỳ đã từ bỏ mục tiêu lật đổ Tổng thống Syria, trong khi Nga đã cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện một số chiến dịch liên biên giới chống lại các nhóm người Kurd ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ còn đề nghị Nga gây ảnh hưởng để chính quyền Assad không tổ chức đòn tấn công tổng lực nhằm vào thành trì lớn của phe nổi dậy, tỉnh Idlib, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

“Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh Syria, cần lẫn nhau, và mối quan hệ này còn phát triển hơn thế nữa”- Aaron Stein, chuyên gia phân tích thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, Mỹ, nhận định.

Linh Chi