Đẳng cấp trí tuệ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu: Trí tuệ người Việt không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới, vấn đề là có khơi gợi và tập hợp được lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân không mà thôi. Điều đó một lần nữa được chứng minh tại ABU Robocon 2018, khi đội robocon của Việt Nam lần thứ 7 giành ngôi vô địch trong tổng số 17 lần tổ chức cuộc thi sáng tạo robot do Hiệp hội Phát thanh và truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Broadcasting Union - ABU) tổ chức.
Robocon Việt Nam thể hiện trí tuệ người Việt Nam.
Tại ABU Robocon 2018, với tư cách là đơn vị đăng cai, Việt Nam có hai đại diện tham gia vòng thi quốc tế đều đến từ Trường Đại học Lạc Hồng là Việt Nam 1 và Việt Nam 2. Nếu như đội Việt Nam 1 thất bại đáng tiếc ở tứ kết thì đội Việt Nam 2 đã làm nức lòng CĐV khi đánh bại đội Trung Quốc giành chức vô địch, trong một trận chung kết diễn ra đầy kịch tính. Ở khoảnh khắc quyết định đó đội Việt Nam 2 ném chính xác và đã giành chiến thắng.
Vấn đề đặt ra ở bài viết này không phải là Việt Nam đã mấy lần vô địch các giải ABU Robocon, mà chỉ muốn thông qua những lần đăng quang ngôi vô địch để khẳng định niềm tự hào trí tuệ Việt luôn được vinh danh ở đẳng cấp khu vực và thế giới. Hiện, Việt Nam chưa nằm trong top các nước phát triển, song thật hãnh diện bởi không chỉ các giáo sư, tiến sĩ mà ngay cả những sinh viên đại học, cao đẳng cũng góp phần ghi tên dân tộc trên bản đồ khoa học công nghệ của khu vực và thế giới.
Sáng tạo robot là một lĩnh vực vô cùng khó ngay cả với những nước phát triển và đang phát triển như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc..., vậy mà các sinh viên Việt Nam đã vươn lên sớm bắt kịp khoa học công nghệ một cách nhanh nhạy, thể hiện sự thông minh, lanh lợi trong mỗi lần “mang chuông đi đánh nước người”. Tất nhiên, từ vô địch các giải robocon tới sau này các em có trở thành những nhà khoa học sáng giá, cống hiến cho đất nước những công trình khoa học quan trọng hay không lại là chuyện khác. Song, nói gì thì nói, đây chính là tiền đề quan trọng cho tương lai phát triển đất nước sau này.
Nói tới trí tuệ Việt lẽ dĩ nhiên không chỉ có các đội tuyển robocon, mà còn có những đội tuyển Olympic Vật lý, Toán, Hóa học... Trong những năm qua, các đội tuyển Olympic Việt Nam luôn tạo ra sự ngỡ ngàng đối với bạn bè trên khắp năm châu thế giới. Hầu hết các em học sinh tham gia sự thi Olympic trong các bộ môn đều đoạt giải từ vàng đến bạc và đồng, hiếm khi đội tuyển trở về với “hai bàn tay trắng”. Trong bối cảnh và điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc các em học sinh liên tiếp giành huy chương vàng Olympic khiến cả xã hội nức lòng.
Vẫn biết “học tài, thi phận”, song điều đó chỉ có ý nghĩa ngược, tức là học thì tốt nhưng lúc thi vì một lý do khách quan nào đó mà không thể hiện tốt. Còn nếu thực sự không thông minh, không nắm chắc kiến thức thì dù có thần tiên giúp đỡ các em học sinh cũng không thể đấu lại với bạn bè trên khắp thế giới. Những tấm huy chương của các em là thành quả của cả một quá trình học tập miệt mài, trau dồi kiến thức, cộng với trí thông minh bẩm sinh của người Việt chứ không hề có sự may mắn nào cả.
Chẳng phải là vô cớ mà trong lần gặp mặt các trí thức Việt kiều mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến các giáo sư: Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng... Các ông là đại diện tiêu biểu của trí tuệ Việt Nam được giới khoa học thế giới công nhận về tài năng, trình độ xuất chúng. Điều đó được chứng minh bằng việc các ông đã có thể định cư làm việc tại những viện hàn lâm khoa học của các nước phát triển, song với lòng yêu nước thiết tha đã theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước phục vụ nhân dân.
Cũng có một số ý kiến cho rằng những tên tuổi lớn như Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Tôn Thất Tùng... đều do Pháp đào tạo nên mới có kiến thức uyên thâm như vậy. Xin nói ngay rằng, khi mà trò thiếu trí thông minh thì dù có được thày giỏi tới đâu nâng đỡ cũng chỉ là vô dụng mà thôi. Để trở thành những nhà khoa học hàng đầu được thế giới công nhận không chỉ là do có thày tốt, mà yếu tố then chốt chính là dòng máu Lạc Hồng đang chảy trong huyết quản của các ông.
Có thể chứng minh điều ấy bằng hiện tượng “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy. Mặc dù học hành không đến nơi đến chốn, song ông lại có khả năng “nhấc bổng” những tòa nhà nặng tới 3.000 tấn. Bởi thế người ta mới mệnh danh ông Lũy là “thần đèn”.
Thông qua hàng loạt ví dụ sống động trên có thể thấy lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoàn toàn chính xác: Trí tuệ Việt không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới! Đó chính là tiền đề để Chính phủ, các bộ, ban, ngành đưa ra những chính sách, cơ chế và hành động cụ thể nhằm động viên, khuyến khích và thu hút nhân tài người Việt trên toàn thế giới quy tụ lại cống hiến tài năng, kinh nghiệm xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp. Với đẳng cấp của trí tuệ Việt, tin rằng trong thời gian không xa, Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc phát triển, hiện đại.