Logistics thu hút vốn đầu tư

Thanh Giang 29/08/2018 08:45

Logistics là một trong 12 nhóm ngành được Chính phủ ưu tiên hỗ trợ, phát triển, và ngành này cũng là lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn. Theo WB, tốc độ phát triển bình quân hàng năm của logistics Việt Nam khoảng 14 -16%.

Vài năm trở lại đây thị trường này ghi nhận có sự tăng trưởng mạnh. Nắm bắt được nhu cầu phát triển thực tế, giới kinh doanh liên tục đổ vốn vào lĩnh vực này. Đặc biệt, nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics và vận hành thương mại điện tử nước ngoài đang rất nỗ lực để không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam.

Điển hình, các thương hiệu bán lẻ trực tuyến lớn không ngừng cải thiện mình để có thể cung cấp những trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng. Trong đó phải kể đến thương vụ lớn như Alipay của Jack Ma- nhà sáng lập của Alibaba bắt tay với Tổng Công ty thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS). Tương tự, cổng thông tin thương mại điện tử nội địa Tiki đã nhận được 44 triệu USD đầu tư từ JD.com - đối thủ cạnh tranh của Alibaba. Bên cạnh đó vào năm 2016, Central Group đã thâu tóm Zalora Việt Nam, đồng thời chính thức đổi tên thành Robins Việt Nam. Sự ra đời của Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW tại Việt Nam, một liên doanh giữa Quỹ đầu tư toàn cầu Warburg Pincus và nhà đầu tư Becamex IDC có thể xem là một dấu hiệu cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này...

Mặc dù mức chi tiêu cho việc phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực, việc phát triển được một hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ và xuyên suốt vẫn còn là một chặng đường dài đối với Việt Nam.

Vẫn có nhiều dự án giao thông vận tải bị chậm tiến độ do sự chậm trễ trong công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng, huy động vốn cũng như mô hình hợp tác công - tư (PPP) chưa đem đến được nhiều thành công như mong đợi. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của logistics Việt Nam có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên ngành này vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Theo ông Julien Brun, CEL Consulting, do hạn chế ứng dụng công nghệ, chưa xây dựng và chuẩn hóa quy trình vận hành, không đầu tư vào chiến lược kinh doanh,... Hệ lụy của các vấn đề trên là quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam tốn nhiều thời gian, chi phí. Báo cáo “Doing Business 2018” của World Bank cũng chỉ rõ, hiện Việt Nam đang mất 105 giờ để xuất khẩu sản phẩm có lợi thế so sánh và 132 giờ để nhập khẩu phụ tùng ô tô, dài hơn đáng kể so với 62 giờ đối với xuất khẩu và 54 giờ nhập khẩu tại Singapore. Chi phí giao dịch qua biên giới, bao gồm chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu, ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với hầu hết các nước trong khu vực. Trong tổng số, chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục chiếm hơn 30% so với chỉ 10 -15% ở các nước phát triển như Singapore.

Còn theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics của Việt Nam tương đương với 20,9% so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%, cao gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển như Trung Quốc chiếm 19% GDP, Thái Lan khoảng 18%, Nhật Bản khoảng 11%

Giới chuyên gia cho rằng, để phát triển bền vững, doanh nghiệp logistics cần phải thay đổi và khắc phục những khuyết điểm trước khi bước vào chặng đường đón đầu xu thế, cũng như cơ hội tương lai từ sự phát triển của nền kinh tế. Đáng chú ý, nên cải tiến đáng kể để giảm cả thời gian và chi phí. Bởi vì trên thế giới nhiều công nghệ, giải pháp sáng tạo được nghiên cứu và ứng dụng thử nghiệm trong chuỗi cung ứng.

Cụ thể, đưa công nghệ vào vận hành cửa hàng tự phục vụ, kỹ thuật quản trị vận tải giảm khí thải, quản trị container hàng hóa bằng trí tuệ nhân tạo, giải pháp nâng hạ hàng hóa giảm tổn thương cho người vận hành.

Thanh Giang