Tạo môi trường sống trong lành

Trung Hiếu 30/08/2018 08:00

Thời gian qua, quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng hạ tầng cùng với sự gia tăng mạnh số lượng phương tiện giao thông đã khiến môi trường không khí của thành phố Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng. Để giải bài toán này Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy lùi ô nhiễm, tạo môi trường sống trong lành cho người dân.

Đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, chất lượng môi trường không khí của Thành phố đã có biểu hiện suy thoái, nhất là ở khu vực nội thành, các trục đường giao thông chính và các công trường xây dựng. Nồng độ ô nhiễm bụi ở một số nơi, tại một số thời điểm đã vuợt giới hạn cho phép.

Theo thống kê có đến 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động giao thông, trong đó chủ yếu là chất benzen. Uớc tính, mỗi năm tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân của Hà Nội vào khoảng 15%. Với mật độ phương tiện giao thông dày đặc như hiện nay, nhất là tình trạng phương tiện chất lượng kém vẫn đang lưu hành đã dẫn đến lượng khí thải gây ô nhiễm không khí có xu hướng ngày càng gia tăng.

Số liệu thu được từ các trạm quan trắc không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy không khí tại hầu hết các vị trí quan trắc đều có hàm lượng Bezen vượt quy chuẩn Việt Nam 06: 2009/BTNMT từ 1,2 - 2,5 lần. Một số khu vực có nồng độ ô nhiễm bụi cao như: Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Từ Liêm...Đáng chú ý, chất lượng không khí tại các làng nghề và các khu vực dân cư phần lớn chưa đạt tiêu chuẩn, đều ở mức kém và trung bình.

Theo Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nội Nguyễn Minh Mười, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp như kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm, trồng cây xanh, thiết lập các trạm quan trắc không khí.

Hiện thành phố đã lắp đặt và đang vận hành ổn định 10 trạm quan trắc không khí, gồm 2 trạm quan trắc cố định và 8 trạm cảm biến do Sở TNMT là cơ quan quản lý. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí được công bố công khai trên cổng thông tin Thành phố Hà Nội, cổng thông tin điện tử của Sở và phát trên bản tin thời sự HTV1 khung giờ 18h30 để người dân có thể theo dõi diễn biến chất lượng không khí hàng ngày của Thủ đô.

Đại diện Sở TNMT cũng khẳng định, thời gian tới, đơn vị này sẽ triển khai đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường, trong đó lắp đặt thêm 70 trạm quan trắc không khí. Sở cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ các biện pháp bảo vệ môi trường, che chắn giảm bụi, khí thải tại các công trường thi công, nhất là khu vực nội thành; giám sát, buộc các dự án, cơ sở có phát sinh chất thải quy mô lớn phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động, truyền dẫn số liệu về Sở TNMT để theo dõi, giám sát.

Cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, thành phố cũng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy lùi tình trạng ô nhiễm không khí qua việc tiếp tục thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020; tăng cường giám sát việc chống bụi ngay tại các công trường xây dựng, siết chặt hoạt động của xe chở bùn, chở đất, phế thải vào ban đêm, xử lý nghiêm đối với các trường hợp đổ đất thải, phế thải không đúng nơi quy định…

Đặc biệt với đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”, Thành phố đã giao Sở GTVT phối hợp với Công an thành phố và UBND các địa phương tổ chức phân vùng, hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Thành phố sẽ tổ chức điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng trên địa bàn thông qua đăng ký, từ đó đề xuất các biện pháp xử lý đối với xe không bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và vệ sinh môi trường. Hy vọng, với những giải pháp đồng bộ đang được thành phố Hà Nội tích cực triển khai, chất lượng môi trường không khí sẽ từng bước cải thiện, qua đó tạo môi trường sống trong lành cho người dân.

Trung Hiếu