Thủ tục giải quyết chế độ người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày?

PV (theo VGP) 30/08/2018 17:00

Bố vợ của ông Hoàng Hải Hà (Quảng Trị) nhận được quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị về việc hưởng trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày từ ngày 1/4/2014.

Ông Hà được biết, theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì những người bị địch bắt tù, đày được hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngày 1/9/2012. Ông hỏi, bố vợ ông có được truy lĩnh trợ cấp từ tháng 9/2012 đến tháng 12/2013 không?

Bố vợ ông Hà cũng là thương binh 4/4, vết thương cũ tái phát nhưng chưa khám xác định lại thương tật lần nào, vậy bố vợ của ông có được khám giám định lại thương tật không?

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời:

Về giải quyết trợ cấp đối với người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày, Khoản 2, Điều 47 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định thời điểm hưởng chế độ trợ cấp đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày như sau:

Đối với người đã hưởng trợ cấp một lần hiện còn sống, thời điểm hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngày 1/9/2012;đối với người được công nhận từ ngày 1/9/2012 trở về sau, thời điểm hưởng trợ cấp từ ngày Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định.

Đối chiếu với quy định nêu trên, nếu bố vợ của ông đã được công nhận và hưởng trợ cấp một lần trước ngày 1/9/2012 thì thời điểm hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngày 1/9/2012; còn nếu được công nhận từ ngày 1/9/2012 trở về sau thì thời điểm hưởng trợ cấp từ ngày Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định.

Các trường hợp được giám định lại thương tật

Khoản 4 và Khoản 5, Điều 30 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định: Thương binh đã giám định có vết thương sau đây tái phát thì được giám định lại:

Vết thương sọ não bị khuyết xương sọ hoặc còn mảnh kim khí trong sọ gây biến chứng dẫn đến rối loạn tâm thần hoặc liệt; vết thương thấu phổi gây biến chứng dày dính màng phổi hoặc xẹp phổi dẫn đến phải cắt phổi hoặc thùy phổi; vết thương ở tim dẫn đến phải phẫu thuật; vết thương ổ bụng: Dạ dày hoặc ruột gây biến chứng ở dạ dày hoặc dính tắc ruột phải phẫu thuật; vết thương ở gan, mật, lách, tụy hoặc thận gây biến chứng phải phẫu thuật; vết thương ở cột sống biến chứng gây liệt hoặc rối loạn cơ tròn đại tiểu tiện không tự chủ; các vết thương ở tay hoặc ở chân tái phát phải phẫu thuật cắt đoạn chi; vết thương ở mắt tái phát dẫn đến mù mắt; vết thương ở tai gây mất hoàn toàn sức nghe hai tai.

Không giám định lại những trường hợp thương binh đã được giám định do vết thương cũ tái phát hoặc thương binh loại B”.

Trong nội dung đơn, ông không trình bày cụ thể về tình trạng thương tật, do đó Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa đủ căn cứ trả lời cụ thể. Đề nghị ông đối chiếu quy định, nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý hồ sơ thương binh để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

PV (theo VGP)