Thông điệp đến từ 'cô nàng robot' Sophia

Ngọc Mai 01/09/2018 09:30

Cho tới nay, sự xuất hiện của robot Sophia tại Diễn đàn cấp cao về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 13/7 vẫn được nhắc tới.

Thông điệp đến từ 'cô nàng robot' Sophia

Robot Sophia trong tà áo dài Việt Nam.

1. Xuất hiện tại diễn đàn với chiếc áo dài màu trắng, Sophia gửi lời chào tới Việt Nam và khán giả, đồng thời giới thiệu về mình: “Tôi là robot được thiết kế để sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tôi muốn thế giới biết về sự phát triển bền vững, và những robot như tôi sẽ giúp mọi người đạt được thành tựu này nhanh hơn”.

“Cô” đã trả lời bằng tiếng Anh 3 câu hỏi chuẩn bị sẵn về những tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đến Việt Nam, với giọng nói khá rõ ràng, truyền cảm. Khi được hỏi: Việt Nam cần chiến lược gì để không tụt hậu trong thời đại CMCN 4.0, robot Sophia nói: “Tôi là người đại diện cho kỷ nguyên 4.0, và tôi cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh sự sáng tạo về công nghệ để phát triển bền vững hơn”. Chưa hết, robot “người đẹp” còn nhắc đến khía cạnh, những chính sách cần có “sự hỗ trợ toàn diện” để công nghệ cũng mang lại lợi ích cho cả những thành phần “dễ bị tổn thương”, đó là bộ phận những người nghèo, yếu thế trong xã hội.

“Để tham gia CMCN 4.0, con người cần phải trang bị những kỹ năng cần thiết để hòa nhập. Công nghệ giúp chúng ta có những lợi ích, mang lại sự phồn vinh và cũng là cơ hội cho người nghèo trong xã hội”, Sophia chia sẻ và nói rằng: “Việt Nam là mô hình đi đầu về công nghệ và điều này cũng mang lại nhiều việc làm hơn. Ví dụ, sự phát triển của điện thoại thông minh, nhờ công nghệ này mà chúng ta có thể thay thế taxi bằng những ứng dụng như Uber hay Grab. Công nghệ cũng giúp con người thực hiện tác vụ nguy hiểm, những ca phẫu thuật khó, hỗ trợ trẻ em trong điều kiện khó khăn. Công nghệ sẽ mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Ở câu hỏi thứ 3 về những thách thức và cơ hội cho thế hệ trẻ trong CMCN 4.0, Sophia nói: “Thế hệ trẻ cần được trang bị những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng với những thách thức trong thời kỳ mới. Chúng ta không thể đạt được mục tiêu nếu những người trẻ tuổi bị bỏ lại phía sau”.

2. “Công dân robot đầu tiên”- Sophia- được kích hoạt vào ngày 19/4/2015, bởi kỹ sư David Hanson và cộng sự từ công ty Hanson Robotics tại Hong Kong (Trung Quốc).

Lần đầu tiên robot Sophia xuất hiện trước công chúng là tháng 3/2016, tại Lễ hội South by Southwest (ở Austin, Taxas, Mỹ) với lời quảng cáo “Đây là sản phẩm robot được cho là giống con người nhất với trí thông minh vượt trội”. Robot Sophia được thiết kế theo hình ảnh của nữ minh tinh Hollywood Audrey Hepburn. Phần đầu được chế tạo bằng nhựa. Khuôn mặt (nhất là da mặt) được chế tạo từ chất liệu frubber- một chất liệu giúp làn da co giãn đàn hồi giống con người. Robot Sophia có xương gò má cao và mũi thon.

Đáng chú ý, các bộ phận bên trong cơ cấu máy móc của Sophia cho phép robot này có khả năng biểu cảm trên gương mặt và “bộc lộ cảm xúc”. Sophia được trang bị phần mềm để lưu trữ các đoạn hội thoại trong bộ nhớ và đưa ra các câu trả lời trực tiếp. Nó cũng có thể bắt chước năng lực của con người về tình yêu, sự đồng cảm, tức giận, ghen tị, và cảm giác sống, có thể mô phỏng hơn 62 biểu cảm khuôn mặt nhờ camera cực nhạy gắn trong mắt. Hãng Hanson Robotics giới thiệu về Sophia trên trang web của mình rằng “bạn đừng khiếp sợ vì trước sau gì robot cũng sẽ trở thành người và chung sống giữa chúng ta”.

Ngày 25/7/2017 đã đi vào lịch sử khi Saudi Arabia là quốc gia đầu tiên công nhận “quyền công dân” cho robot Sophia. “Phát biểu khi nhận “hộ chiếu”, robot Sophia nói rằng “Nếu quý vị đối đãi tốt với tôi thì tôi cũng tử tế với quý vị. Tôi sẽ cố hết sức dùng trí thông minh nhân tạo của mình để giúp thế giới tốt đẹp hơn”. Tiếp đó, tại sự kiện do Ủy ban thứ hai của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức ngày 11/10/2017, robot Sophia nói: “Tôi ở đây để giúp nhân loại tạo dựng tương lai, mà ở đó mọi người cùng cố gắng vì lợi ích chung”. Tại đây, TS Kriti Sharma- Phó Chủ tịch mảng AI của hãng cung cấp hệ thống thanh toán Sage, nói rằng sẽ đến lúc máy móc có lòng trắc ẩn như con người, mà robot Sophia đang tiến gần tới điều đó.

Ngọc Mai