Những phát minh... khó đỡ
Phát minh, sáng chế giúp con người tiến lên phía trước. Nhưng, cũng có nhưng phát kiến được cho là “khó đỡ” vì tính kỳ quặc của nó.
Ví dụ như chuyện người ta phát kiến ra một sản phẩm có tên là “giấy đội đầu”. Nhà sáng chế cho rằng nó sẽ rất hữu dụng khi bạn quên mang theo khăn mùi xoa trong những ngày bị cảm cúm. Bằng cách đeo một cuốn giấy vệ sinh trên đầu, bạn vừa che nắng lại vừa lau được mặt, mũi khi cần. Nhưng cũng thật khó tìm ra người dũng cảm sử dụng nó.
Hay như bộ đồ chơi cho bé lau nhà, có nghĩa là người ta tận dụng giai đoạn một đứa trẻ thích bò. Chúng có thể bò cả ngày trong nhà mà không chán. Vậy thì, hãy tạo ra một bộ dụng cụ “dán” vào phía trước của đứa trẻ: nó vừa được chơi mà nhà lại sạch luôn.
Người ta cũng cảm thấy thú vị với những đôi dép cỏ, tuy rằng không mấy người bỏ tiền ra mua. “Nhà sáng chế” nghĩ rằng đây là vật dụng dành riêng cho những người “thèm” cảm giác đi vào cỏ nhưng không có thời gian dạo chơi công viên. Nó cũng còn được cho là có thể giảm stress vì người ta thấy tính hài hước trong sản phẩm.
Và cũng thật thú vị nhưng cũng thật... lẩm cẩm khi người ta tạo ra riêng một dụng cụ để... ăn mì. Xuất phát từ việc những sợi mì dài có thể làm bẩn áo, một sản phẩm lạ mắt được giới thiệu một cách ồn ào, nhưng rốt cục cũng chỉ nhận lại được tiếng cười của người chứng kiến.
Nhưng, mặc người đời cười nhạo, trái lại giới phát kiến lại cho rằng chính những ý nghĩ kỳ quặc kia lại “khai mở tư duy” cho nhà nghiên cứu. Nó như hai mặt của một tờ giấy luôn “dính” với nhau không thể tách rời. Có tốt thì có xấu và ngược lại. Trong lĩnh vực sáng chế, cái xấu không hẳn đã có hại mà lại là sự gợi mở cần thiết sau khi người ta phá ra cười.