Đất nước của những huyền thoại
Quốc khánh 2-9 của Việt Nam luôn thu hút sự quan tâm của quốc tế, không chỉ với truyền thông mà còn là đề tài nghiên cứu của giới sử học, chính trị gia, các chuyên gia quân sự, ngoại giao. Cùng đó là những phát hiện cũng như tình cảm nồng ấm của những người bạn dành cho đất nước, con người Việt Nam.
Nữ chiến sĩ binh chủng thông tin liên lạc Việt Nam trong Lễ diễu binh ngày 2/9/2015.
1. Ngày Quốc khánh 70 năm nước CHXHCN Việt Nam (2/9/2015), năm chẵn được các hãng truyền thông quốc tế lớn như AFP, Reuters, Straits Times, Bangkok Post, Jakarta Globe (Indonesia), Asia One (Singapore)... đồng loạt tường thuật. Đặc biệt chi tiết là lễ diễu binh trên Quảng trường Ba Đình.
“Đây là một trong những sự kiện trọng đại nhất từng tổ chức ở Việt Nam trong các năm qua”- nhận xét của AFP. “Cuộc diễu binh vào ngày Quốc khánh nhằm phát huy tinh thần ái quốc, tự lực tự cường và khát vọng hòa bình của người Việt Nam”. Một số báo trong khu vực đã dẫn lại bản tin của AFP như Jakarta Globe (Indonesia), Asia One (Singapore)...
Channel News Asia (CNA)- kênh truyền hình hàng đầu của Singapore - giới thiệu: “Hơn 30.000 người tham gia Lễ diễu binh và diễu hành ở Quảng trường Ba Đình, nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố khai sinh nước Việt Nam”. CNA cũng nêu rõ, chủ đề diễu binh là “Phát huy sức mạnh dân tộc, quyết tâm xây dựng, bảo vệ vững chắc Nhà nước Việt Nam XHCN”.
Còn hãng Reuters của Anh, sau khi đưa tin 21 loạt pháo được bắn gần khu vực Hoàng thành Thăng Long và đại diện các lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, công nhân và các dân tộc tham gia diễu hành, đã dẫn lời nhiều người dân, trong đó ông Phan Khắc Nhật nói: “Người dân Việt Nam tự hào về chủ quyền, tự do và độc lập dân tộc. Dân tộc Việt Nam không chịu khuất phục trước mọi kẻ thù dù mạnh tới đâu”. Còn bà Nguyễn Thị Lập, 62 tuổi, chia sẻ: “May mắn được sống ở thời điểm đất nước hòa bình, tôi rất vui khi chứng kiến đất nước phát triển, quân đội Việt Nam hùng mạnh, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc”.
Cũng trong ngày 2/9/2015, báo Tehran Times của Iran đã đăng bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Iran trên trang nhất. Bài viết dẫn lời Đại sứ Việt Nam rằng, Việt Nam luôn hướng về tương lai, không trở thành “tù binh của quá khứ”.
Nhà báo Scott Crichton (Mỹ) viết trên trang web của tờ Misoulian, tờ báo lớn nhất khu vực phía Tây Montana: “Qua Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nước Việt Nam, tôi muốn khuyến khích mọi người học tập theo nhân dân Việt Nam. Họ dường như đã tìm được cách đặt quá khứ lại phía sau, một cách trân trọng và đầy sự vị tha. Họ hướng tới tương lai nơi họ có thể tiếp tục trỗi dậy như một quốc gia có tầm quan trọng nhất định trong khu vực và trên toàn cầu. Một tương lai hòa bình cần lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau”.
2.Cách mạng Tháng 8 thành công, nước Việt Nam mới ra đời được giới nghiên cứu đánh giá là một sự kiện quan trọng của thế kỷ XX. Hơn 70 năm qua, các học giả quốc tế đã và vẫn tiếp tục viết về sự kiện đó.
Archimedes L.A Patti, Thiếu tá tình báo Mỹ, người chỉ huy đơn vị OSS (Office of Strategic Services- Cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ) đến Hà Nội vào chiều 22/8/1945. Ông đã là người chứng kiến diễn biến những ngày đầu chuẩn bị và sự xuất hiện của một nước Việt Nam mới. Sau này, Patti đã viết trong cuốn “Why Viet Nam” (“Tại sao lại là Việt Nam”), gần một nghìn trang, trong đó đoạn kể lại về ngày 2/9/1945 ở Quảng trường Ba Đình như sau: “Tiếng loa phóng thanh nổi lên phá vỡ sự im lặng. Quần chúng hát vang và trong mấy phút liền hô vang “Độc Lập”, “Độc Lập”. Ông Hồ mỉm cười, nhỏ nhắn trong tầm cỡ, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân ông. Ông giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, mà ngày nay đã trở thành nổi tiếng. Ông Hồ dừng lại đột ngột và hỏi người nghe: “Đồng bào có nghe rõ tôi nói không?”. Quần chúng hô vang đáp lại: “Rõ!”... Nghe giọng nói của ông Hồ, bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật, và nghe thấy được quần chúng trả lời thì chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa là ông đã thấu tới quần chúng”.
Sử gia Gilbert School (người Pháp) cũng đã có thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử Việt Nam và về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông khẳng định: “Cách mạng Tháng 8 năm 1945 của Việt Nam là sự kiện đánh dấu thời điểm quan trọng trong lịch sử Việt Nam, phản ánh cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chống giặc ngoại xâm, đánh dấu bước chuyển sang thời kỳ mới. Thành công của Cách mạng Tháng 8 ở Việt Nam còn có ý nghĩa quốc tế, nhất là đối với nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới vào thời điểm đó, mở đầu cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa”.
Với nhiều sử gia, học giả người Pháp, như Philippe Devillers, cuộc kháng chiến chống thực dân, giành độc lập tự do của người Việt Nam như một điều “bí ẩn huyền thoại”. Nhiều người đã xuất bản những công trình nghiên cứu về đề tài này, trong đó dành những trang quan trọng cho giai đoạn trước và sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám, mà đỉnh cao là Lễ Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam mới: Ngày 2/9/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình.
Trong số đó, nhà sử học Alain Ruscio đã có tới 15 tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam, các cuộc kháng chiến, về Cách mạng tháng Tám của Việt Nam. A.Ruscio viết: “Chiến thắng năm 1945 của Việt Nam không chỉ là sự kiện gây bất ngờ, mà đó cũng là sự tất yếu mang tính lôgích trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam là dân tộc đầu tiên trong số các dân tộc trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ đã thành công trong cuộc kháng chiến của mình. Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào đấu tranh đòi độc lập của các nước thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ, nhất là các nước ở châu Phi. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có vai trò quan trọng, là người đầu tiên tuyên bố độc lập của một nước thuộc địa”.
Còn sử gia người Na Uy, Stein Tonnesson, nhận định: “Cách mạng Việt Nam quan trọng và không phải chỉ thuần túy trong bối cảnh Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam nằm trong những nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn khác sau chiến tranh: Đó là quá trình phi thực dân hóa. Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cách mạng của người Việt Nam nổi lên như là một trong những cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất”.
Với GS.TS Chaleune Yiapaoheu - Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào thì sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945 đã mở ra kỉ nguyên độc lập và tự do cho nhân dân Việt Nam, đồng thời mở ra kỉ nguyên mới cho phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia, đưa phong trào này lên một tầm cao mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sự ra đời của Nhà nước Việt Nam ngày 2/9/1945 còn là tiếng chuông báo hiệu sự khởi đầu phân rã của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, là chiến thắng chung của các dân tộc bị xiềng xích, áp bức trên thế giới.
Lý Thị Vin, 13 tuổi, một bé gái thuộc dân tộc Dao (huyện Quản Bạ, Hà Giang).
3.Trong số những người bạn của Việt Nam trên toàn thế giới, có ông Jens Otterbech, người xây dựng sứ quán Na Uy đầu tiên ở Hà Nội. Ông rất tự hào ngày sinh của mình trùng với ngày Quốc khánh của Việt Nam: 2/9. Jens Otterbech là Đại sứ Na Uy đầu tiên tại Việt Nam, nhiệm kỳ 1996 - 2001. Trước khi sang Việt Nam, ông từng làm việc ở sứ quán tại Singapore kiêm nhiệm Myanmar và Brunei hơn 5 năm. “Tuy nhiên, khi tôi đến Hà Nội tới vài năm, tôi mới nhận ra mọi thứ như bắt đầu lại từ vạch xuất phát. Tôi bước vào một thế giới mới, đầy thú vị và thách thức. Tuy nhiên, tôi yêu mến Việt Nam ngay từ ngày đầu tiên”. Trong những tháng đầu tiên để tìm hiểu về Việt Nam, Otterbech thuê căn phòng ở tầng trên cùng của một khách sạn tại khu phố cổ. “Tôi không bao giờ quên những ký ức này. Chỉ tại con phố chật hẹp, cuộc sống bắt đầu từ khi trời còn chưa sáng hẳn và chỉ kết thúc khi đã rất khuya. Tôi bắt đầu cảm thấy bản thân trở thành một phần của nhịp sống ấy”.
Phu nhân của vị Đại sứ cũng rất yêu thích cuộc sống ở Việt Nam. “Vợ tôi đăng ký học một lớp vẽ tranh sơn mài. Rồi bà ấy bắt đầu đam mê, dành phần lớn thời gian cho môn nghệ thuật này, gặp gỡ và làm quen với nhiều người bạn mới”. Otterbech đã tổ chức một buổi triển lãm nhỏ và mời bạn bè, khách quý ở Hà Nội đến tham dự vào một ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ ở Việt Nam. Trong nhà ông có rất nhiều tranh do vợ ông vẽ khi còn ở Việt Nam. “Mỗi ngày, chúng như nhắn nhủ chúng tôi nhớ về đất nước mà cả hai đều rất yêu mến”.
Cùng chung tình yêu đối với Việt Nam, Réhahn Croquevielle, nhiếp ảnh gia người Pháp đã nhiều lần tới đất nước này. Trong một chuyến điền dã kéo dài 12 ngày, R.Croquevielle đã “ngang dọc” vùng cao phía Bắc Việt Nam/ “Tôi đã tìm ra vẻ đẹp ẩn giấu sau cuộc sống hoang sơ. Nhưng quan trọng hơn, tôi cảm nhận được sức mạnh của tâm hồn người Việt Nam. Bên ngoài là cuộc sống bình dị, nhưng bên trong là một tâm hồn cao thượng. Phẩm chất ấy không phải dễ tìm thấy trong thế giới này”- R.Croquevielle viết.