Những đóng góp không thể đong đếm

(Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Bộ Ngoại giao) 03/09/2018 07:30

Từ ngày 18-24/8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ ngành, địa phương liên quan đã tổ chức “Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018” với sự tham dự của 100 trí thức, chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài.

Những đóng góp không thể đong đếm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ bà con kiều bào tham dự chương trình “Xuân quê hương” 2018.

Đây là sự kiện hết sức có ý nghĩa, nhằm quy tụ và phát huy tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt từ các chuyên gia người Việt ở nước ngoài, khơi nguồn cảm hứng và tạo sự liên kết mới từ những tinh hoa khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Chương trình đã thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, từ trí tuệ nhân tạo, rô bốt, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, sinh học, y tế...cũng như những ý kiến, đề xuất rất tâm huyết với lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương.

Theo thống kê không chính thức, đội ngũ chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài có khoảng trên 500.000 người và hàng năm hơn 300 lượt người thường xuyên về nước cộng tác với các bộ ngành, địa phương, là một nguồn lực tiềm năng đang đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước cũng như hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Năm 2017, lần đầu tiên 4 chuyên gia trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài đã được lựa chọn làm thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Các mạng lưới chuyên gia, trí thức kiều bào như nhóm Sáng kiến Việt Nam (Hoa Kỳ), Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (Pháp) và nhiều tổ chức, cá nhân kiều bào khác đã đóng góp ý kiến vào các vấn đề thiết thực cho phát triển đất nước, hoặc tham gia trực tiếp vào các hoạt động phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục đào tạo và văn hoá, xã hội.

Bên cạnh đó, kiều hối và đầu tư về nước của kiều bào tiếp tục là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân. Kiều hối năm 2017 đạt gần 13,8 tỷ USD (số liệu của World Bank), tăng gần 10% so với năm 2016. Về đầu tư, hiện có 2.537 doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động đầu tư tại 48/63 tỉnh thành phố với tổng số vốn đạt gần 4 tỷ USD.

Để phát huy nguồn lực trí thức khoa học công nghệ của người Việt Nam ở nước ngoài, nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành. Những năm qua, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cũng đã tích cực đồng hành cùng bà con kiều bào tổ chức nhiều hoạt động nhằm đóng góp thiết thực xây dựng và phát triển đất nước.

Đáng chú ý, lần đầu tiên “Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt Nam tại Hoa Kỳ và Việt Nam” đã được tổ chức tại San Francisco tháng 12/2017 và Diễn đàn “Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 6/2018. Các hội thảo chuyên đề về“Năng lượng sạch” và “Dữ liệu lớn” (tháng 8/2017), diễn đàn “Kinh tế số hoá: Thế giới không chờ chúng ta” (tháng 10/2017) và diễn đàn “Diễn đàn phát triển bền vững Việt Nam 2018” trên cơ sở sáng kiến của Hội Chuyên gia và nhà khoa học Việt Namtoàn cầu cũng đã diễn ra tại một số địa phương. Các diễn đàn, hội thảo đã tạo sự gắn kết giữa kiều bào với trong nước, tạo cơ hội để kiều bào ở các nước và khu vực giao lưu, hiến kế và chia sẻ kinh nghiệm phát triển của các quốc gia, cung cấp nhiều thông tin tham khảo có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách cũng như cho các doanh nghiệp trong nước.

Nhiều dự án đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, của kiều bào đang được triển khai rất hiệu quả. Tập đoàn thuỷ sản Việt-Úc nuôi tôm công nghệ cao của kiều bào ta tại Úc với khát vọng “Nâng tầm tôm Việt”, từ cơ sở ban đầu tại Bình Thuận năm 2001, nay đã phát triển với 9 cơ sở nuôi, sản xuất tôm giống trải dài từ Bắc đến Nam, hiện cung cấp 25% số lượng tôm giống cho cả nước và cuối năm 2017 vừa qua đã trở thành công ty duy nhất ở Việt Nam nghiên cứu thành công việc sản xuất tôm giống bố mẹ. TS Nguyễn Thanh Mỹ, hiện là Chủ tịch Hội doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, từ Canada về nước khởi nghiệp ở tuổi 60 với mong ước áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, giúp cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Công ty Rynan Technologies của ông tại Trà Vinh thu hút hàng trăm kỹ sư công nghệ trẻ, tập trung nghiên cứu sản xuất phân bón thông minh, phần mềm thông minh đo độ mặn của nước và điều khiển tưới tiêu hiện đang áp dụng ở Trà Vinh, Đồng Tháp, Thái Bình. Công ty cũng đang hợp tác với một số địa phương đơn vị, nghiên cứu sản xuất đồng hồ đo nước thông minh và đánh giá ô nhiễm môi trường.

Rời ánh hào quang của ngành tài chính mà nhiều người mong ước, John Trần từ Mỹ về Việt Nam và dấn thân vào con đường làm nông nghiệp thông minh với suy nghĩ có thể giúp người dân thay đổi tư duy về làm nông nghiệp và tiếp cận với các sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn tuyệt đối. Hiện GreeOx, công ty nông nghiệp - công nghệ của anh tại Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp mô hình trồng rau trong thùng container và sản phẩm đã được tiêu thụ tại nhiều siêu thị.

Những hoạt động nói trên, cùng với đầu tư ngày càng hiệu quả của kiều bào đang đóng góp thiết thực cho phát triển của Việt Nam, trong đó có yêu cầu thích ứng một cách hiệu quả với những đòi hỏi mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, tại chương trình Xuân Quê hương 2018, đã khẳng định: “Những đóng góp quý báu của kiều bào cho đất nước khó có thể kể hết và đong đếm đầy đủ, nhưng có thể khẳng định rằng người Việt Nam ở nước ngoài luôn là máu thịt của dân tộc Việt Nam, luôn hướng về Tổ quốc, thực sự là cầu nối cho tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, trực tiếp tham gia thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, công cuộc xây dựng và phát triển bền vững của đất nước, vì sự phồn vinh của dân tộc, của giống nòi”.

Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 (từ 12-17/8/2018) vừa qua, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Hội nghị đánh giá, trong những năm vừa qua, phát huy nguồn lực trí thức, khoa học công nghệ của kiều bào đã được chú trọng, đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đó là thiếu cơ chế để liên kết chặt chẽ các nhà khoa học, cơ chế “phản hồi” những ý kiến đóng góp của kiều bào; mới chú ý “trọng đãi” chứ chưa “trọng dụng”; chưa có những “đặt hàng” cụ thể cũng như sự hợp tác trong ngoài còn lỏng lẻo... Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đề xuất, trong thời gian tới cần đưa mạng lưới chuyên gia khoa học công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài đi vào hoạt động thực chất, hiệu quả; xác định các lĩnh vực KHCN ưu tiên cần thu hút chuyên gia, xây dựng cơ chế chính sách mới phù hợp, có chính sách đãi ngộ tương xứng cũng như tạo môi trường thuận lợi để trí thức KHCN về nước làm việc có thể hợp tác, hòa nhập với các đồng nghiệp trong nước...

Tại buổi gặp gỡ với 100 nhà khoa học trẻ, nhấn mạnh vai trò của các chuyên gia trong và ngoài nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ tạo môi trường tốt nhất cho trí thức người Việt ở nước ngoài có điều kiện phát huy kiến thức, kinh nghiệm phát triển đất nước, làm sao kết hợp được trí thức ngoài nước và trong nước. Đó cũng chính là nguyện vọng chung của các chuyên gia, nhà khoa học trẻ, như phát biểu của GS Nghiêm Đức Long (Australia): “Tôi cam kết đồng hành, đóng góp cho Chính phủ trong xây dựng hệ sinh thái 4.0 mà không cần Chính phủ trả thù lao”.

Tại lễ Công bố chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018, chiều 19/8, nhiều nhà khoa học trẻ người Việt đang làm việc ở nước ngoài đã đưa ra ý kiến đóng góp.

Những đóng góp không thể đong đếm - 1

Các đại biểu dự Diễn đàn “Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước”, tháng 6/2018.

TS Bùi Hải Hưng - nhà nghiên cứu khoa học cao cấp Google Deepmind (Mỹ) cho rằng, ngành AI (trí tuệ nhân tạo) thế giới tương đối “có duyên” với người Việt đang làm về công nghệ, trong đó có nhiều người nổi tiếng. Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa có tên tuổi trên bản đồ AI của thế giới. Theo TS Hưng, Việt Nam cần tập trung vào xây dựng trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu của mình. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng quy trình đào tạo AI tại Việt Nam nên chú trọng đầu tư cơ sở điện toán đám mây. Còn PGS.TS Hồ Anh Văn-Viện Công nghệ khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản, đưa ra công thức thành công của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam là: Thành công = năng lực x nhiệt huyết x cách nghĩ.

Lương Thanh Nghị

(Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Bộ Ngoại giao)