Chút xưa lưu dấu
Điều góp phần làm nên bản sắc của làng Việt chính là những chiếc cổng làng. Nhìn vào cổng làng người ta có thể đoán được những nét văn hóa, hoặc đạo học ở một làng quê. Qua chiếc cổng làng, người ta cũng ít nhiều đoán biết được những thăng trầm mà ngôi làng đã trải. Ví như đọc đôi câu đối ở cổng làng Vân (tỉnh Bắc Giang): “Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc/ Chiến công Như Nguyệt rạng trời Nam” người ta dễ dàng biết được đây là ngôi làng có truyền thống nấu rượu ngon nức tiếng…
1. Bên cạnh cây đa, giếng nước, sân đình, cổng làng từ lâu cũng đã đi vào tiềm thức của bao thế hệ người dân quê, trở thành nét biểu tượng của làng quê vùng Bắc Bộ. Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành phát triển của làng. Ở các vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, cùng với sự phát triển của dân cư, làng được xây dựng theo một cấu trúc chặt chẽ với lũy tre và lạch nước, ao sâu bao bọc quanh làng. Người đi vào làng nhất thiết phải qua những cổng làng. Tại mỗi cổng có các Tuần đinh trông coi an ninh trật tự trong làng, ngoài đồng. Cổng làng còn thể hiện mơ ước, nguyện vọng của cộng đồng, mang giá trị tâm linh, trở thành một biểu tượng khó mờ phai đối với cư dân của làng. Trên cổng làng thường có khắc đôi câu đối…
Theo một số liệu thống kê, trước khi sáp nhập về TP Hà Nội (2008), tỉnh Hà Tây còn hơn 100 cổng làng. Hầu hết những cổng này được xây dựng trước năm 1945.
Ngay tại Hà Nội, trước đây từng tồn tại nhiều cổng làng. Như cổng làng Thành Công trên phố Đê La Thành, như cổng làng Yên Phụ, làng Ngọc Hà, làng Cót, làng Đông, làng Vòng... Theo nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh, hiện ở quận Hoàn Kiếm còn 2 cổng, Ba Đình - 4 cổng, Cầu Giấy -9 cổng, Đống Đa -1 cổng, Hoàng Mai -7 cổng, Long Biên -6 cổng, Tây Hồ -10 cổng, Thanh Xuân -2 cổng, huyện Thanh Trì - 17 cổng, huyện Từ Liêm - 18 cổng và nhiều nhất là huyện Đông Anh còn 22 cổng.
Đi ra phía ngoại thành, nhiều cổng làng đẹp trở thành biểu tượng khiến người ta nhớ đến. Tiêu biểu như cổng làng cổ Đường Lâm. Dù không to, kiến trúc không cầu kỳ nhưng chiếc cổng này có ưu điểm vượt trội mà gần như không có chiếc cổng làng nào so sánh nổi, đấy là không gian thoáng đãng xung quanh nó. Con đường dẫn vào cổng làng rộng thênh thang, xung quanh là ruộng lúa. Đặc biệt, một bên cổng là cây đa cổ thụ bốn mùa phủ lên chiếc cổng và toàn bộ khung cảnh ấy được soi bóng xuống mặt nước lung linh. Chẳng thế mà cổng làng Đường Lâm đi vào nhiều bức ảnh và nhiều bức tranh.
Cổng làng Chi Quan (Thạch Thất, Hà Nội).
Xuôi về vùng Thạch Thất, chiếc cổng bằng đá ong được xây bằng toàn đá ong cách đây khoảng 4 thế kỷ ở thôn Chi Quan là một nét chấm phá đặc biệt ấn tượng khiến du khách khó lòng dời chân đi.
Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng, vẻ đẹp của cổng làng gắn với nền văn minh lúa nước, mang tính phác họa và gợi nên những ước vọng của cộng đồng từ đời này qua đời khác. “Phía sau mỗi cánh cổng làng Việt ấy, xưa nay vẫn là sự kết nối cộng đồng gia tộc, là những nét chung về phong tục, tập quán, những nét văn hóa riêng biệt. Cánh cổng làng dù hiện hữu hay vô hình vẫn là nỗi nhớ, là hình ảnh quê hương của những người con xa xứ. Cổng làng không chỉ tạo nên hồn quê đất Việt mà qua dáng vẻ kiến trúc còn thể hiện chiều sâu văn hóa mỗi ngôi làng. Tôi tin ai cũng có một miền ký ức tuyệt vời về chiếc cổng làng và những kỷ niệm quý giá thời thơ ấu. Ngay từ việc xây dựng cổng làng, ông cha ta đã có ý nhắn nhủ thế hệ mai sau qua kiến trúc, kiểu dáng, nét chữ, hình ảnh, ý tứ ở mỗi dòng câu đối...”- nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ.
Cổng làng Đại Từ (Hà Nội).
2. Thời gian chảy trôi, cổng làng dần dần biến mất. Nguyên nhân có nhiều. Có thể do chiến tranh; có thể do mưa to, cây gãy làm xiêu đổ cổng làng. Đặc biệt, trước sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là khi các ngôi làng được mở rộng để đáp ứng sinh hoạt – sản xuất của người dân, nhiều cổng làng đã bị biến mất.
KTS Nguyễn Địch Long là người có nhiều năm nghiên cứu về cổng làng. Ông cho rằng, từng có nơi có lúc có những người coi cổng làng như một “di sản phong kiến”, thẳng thừng phá bỏ. Bên cạnh đó, các làng nghề phát triển với tốc độ chóng mặt, với những nhu cầu sản xuất phát sinh đưa xe tải, container… vào tận làng. Không đi qua được, đành phải phá. Rồi thì đến câu chuyện đô thị hóa xâm nhập, biến đổi không gian văn hóa làng… Nhìn những chiếc cổng làng dấu tích hàng trăm tuổi, ghi dấu biết bao biến đổi, thăng trầm của làng quê biến mất, ai cũng xót xa.
Cổng làng cổ Đường Lâm (Hà Nội).
KTS Ngô Doãn Đức từng chứng kiến nghi thức “tiễn biệt” chiếc cổng làng tại làng Khê Hồi (xã Hà Hồi, Thường Tín, Hà Nội). Khi trục đường giao thông mới được quy hoạch chạy qua nơi đây, người dân buộc phải phá bỏ chiếc cổng làng hơn 200 tuổi. “Tôi nhìn thấy cụ ông già nhất làng dùng một chiếc búa đập một cái tượng trưng vào chiếc cổng, sau đó thanh niên trai tráng mới được dỡ xuống. Tôi cảm nhận được sự trân trọng, gắn bó và tình cảm của họ với cổng làng như thế nào”- KTS Đức chia sẻ.
Không thể “bảo tàng hóa” nông thôn, níu giữ sự tồn tại những ngôi nhà nguyên si như chục năm về trước, khi người dân nông thôn cũng có nhu cầu chính đáng được ở trong những ngôi nhà khang trang, văn minh như người dân thành phố. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc tạo ra không gian khoáng đạt, để phục vụ cho hoạt động sinh hoạt, lao động, nghỉ ngơi… đảm bảo nhịp độ sống của dân làng là vấn đề cần thiết. Cái quan trọng phải “đánh thức” suy nghĩ của người dân, đừng “học mót” đô thị, đem nhà liền kề mang dáng dấp thành thị về đặt trong làng, trong xóm.
3. Sau một thời gian, cư dân của nhiều ngôi làng nhận ra những giá trị của những dấu ấn mang tính biểu tượng của làng, ký ức nhắc nhớ họ về sự hiện hữu của cổng làng. Vì thế, mấy năm trở lại đây, ở nhiều nơi xuất hiện việc phục dựng cổng làng. Đây là việc làm được cộng đồng dân cư ở khu vực đó đồng thuận, cùng góp công góp của. Và nếu triển khai đúng, việc làm này có ý nghĩa văn hóa, đáng khích lệ.
Tuy nhiên, điều đáng bàn là việc triển khai này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả như mong muốn. Nhiều kiến trúc sư cho rằng, việc xây mới cổng làng không phải dễ. Không phải cứ muốn, cứ huy động được tiền là có được cổng làng đẹp, hòa nhập với cảnh quan, tôn vinh lên ngôi làng. Cũng không phải cứ có tiền là dựng lên được một cổng làng mang dấu ấn riêng, cất lên tiếng nói của cộng động dân cư trong ngôi làng đó. Thời gian gần đây chúng ta đã chứng kiến quá nhiều những chiếc cổng làng được dựng lên một cách thô vụng, chỉ thấy sự bề thế mà không hề thấy chút cảm xúc, càng khó nhận ra được hồn làng, nếp làng...
Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, cổng làng xưa được làm cùng thông số với kiến trúc đình đền chùa, không quá cao to. Tuy nhiên, hiện tại ở nhiều làng quê đang xuất hiện việc xây sửa cổng làng nhưng không chú ý đến tính toàn thể này. Người ta đua nhau xây to, với đủ các hình thức, chất liệu, màu sắc thậm chí sặc sỡ và làm mất đi những giá trị văn hóa nội tại.
“Chức năng của cái làng và kiến trúc làng ngày nay đã khác. Việc xây dựng một cổng làng kiểu cổ xưa không còn phù hợp. Nếu còn cổng cũ thì nên giữ nguyên làm di sản văn hóa, nếu không còn cũng nên xây mới cho phù hợp với khung cảnh kiến trúc hiện đại nói chung. Tất nhiên cổng làng đóng vai trò hình ảnh đầu tiên của cái làng do đó nó cần được nghiên cứu và thiết kế cẩn thận”- ông Phan Cẩm Thượng nhấn mạnh.
Một số kiến trúc sư cũng cho rằng, việc dựng mới cổng làng cần tuân thủ các yêu cầu về kiến trúc, để khi hoàn thành, chiếc cổng làng sẽ cất lên tiếng nói của người dân sống trong ngôi làng đó. Đồng thời, nhìn vào đó, người ta thấy toát ra vẻ đẹp của ngôi làng. Chính vì thế, rất cần có bản vẽ kiến trúc, thậm chí cần có sự góp ý của giới kiến trúc chuyên nghiệp. Có như vậy, sẽ tránh phải dỡ ra làm lại gây tốn kém, đồng thời cổng làng dựng lên không bị… lạc nhịp. Xa hơn, nó trở thành công trình kiến trúc bền vững, không gây hiểm họa cho người dân, xét cả ở khía cạnh an ninh và văn hóa.