Xử lý nghiêm đối tượng tung tin thất thiệt
Mới đây UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng đối với Lương Ngọc Tuấn (38 tuổi, trú huyện Diễn Châu, Nghệ An) về việc tung tin giả lên mạng xã hội khiến người dân hoang mang.
Lợi dụng Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ xả lũ, đối tượng thiếu ý thức đã tung tin vỡ đập lên mạng xã hội, khiến người dân hoang mang.
Trước đó, ngày 22/7, một tài khoản facebook có đưa tin về tình hình mưa lũ tại huyện Kỳ Sơn và Tuấn đã “nhảy vào” bình luận: “Đê Mường Mộc cách Nậm Nô 90 cây sắp vỡ, khả năng thị trấn Mường Xén xóa sổ trong đêm nay. Anh em di dời đi còn kịp. Lưu lượng về qua Thủy điện Nậm Mô 1200 m3/s, tăng gấp đôi lúc chiều...”. Vào thời điểm đó, Nhà máy Thủy điện Nậm Mô, xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn) đang xả lũ, nước trên sông Nậm Mô dâng cao.
Khi bị Công an triệu tập, không thể hình dung được khi người này khai rằng mình tung tin sai sự thật chỉ với mục đích... cho vui.
Vui làm sao được khi người xưa từng đúc kết rằng “nhất thủy, nhì hỏa”, nạn nước còn ghê gớm hơn cháy. Vui làm sao được khi người dân vùng lũ ngày đêm lo lắng, từng giờ từng phút cầu mong nước rút. Làm sao lại vui trước hàng ngàn con người trắng đêm không dám ngủ vì lo lũ. Lấy nỗi khổ, nỗi lo của người khác làm niềm vui của mình là điều không thể chấp nhận, đặc biệt là về đạo đức con người.
Cũng tại Nghệ An, cơ quan chức năng đã xác định được nhóm 6 người tung tin thất thiệt đập Nhà máy thủy điện Bản Vẽ bị vỡ, khiến người dân hoang mang, bỏ chạy lên núi. Còn tại Thanh Hóa, Công an huyện Quan Hóa cũng đã triệu tập 2 đối tượng do có hành vi tung tin vỡ đập thủy điện Trung Sơn lên mạng xã hội facebook. “Ăn theo”, một đối tượng khác cũng “nhảy vào” bình luận: “Điện khẩn cấp: Thủy điện vỡ rồi mọi người để ý đi nhanh nhé, khẩn cấp”.
Tại cơ quan công an, các đối tượng này khai nhận, thấy nước lên cao “nghĩ đã vỡ đập” nên đăng tải lên trang facebook cá nhân để câu like.
Dù là tung tin “cho vui” hay với mục đích câu like- thì cũng đều hết sức nguy hiểm, vì đây là chuyện sống chết, nhằm đúng lúc nguy nan. Có thể họ không hình dung hết độ nguy hại hành vi của mình, nhưng việc làm mất ổn định xã hội là rất nguy hiểm.
Nhân đây, cúng cần nhắc lại, việc tung tin đồn thất thiệt thông qua mạng xã hội vì bất cứ lý do gì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, mức độ hậu quả nghiêm trọng của việc tung tin đồn mà người vi phạm sẽ đối mặt với việc xử lý hành chính, dân sự hoặc hình sự.
Theo Điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”. Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định trên cũng quy định: Xử phạt 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”. Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến danh dự, uy tín của cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường…
Những trường hợp nghiêm trọng, tùy vào từng trường hợp cụ thể, người tung tin đồn có thể bị truy cứu hình sự về tội “vu khống” theo Điều 122 Bộ luật Hình sự. Theo đó “người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác (...), thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.
Việc một số người dùng mạng xã hội tung tin thất thiệt trong những ngày mưa lũ vừa qua đã sớm bị cơ quan chức năng xử lý. Âu cũng là bài học cho những ai thiếu ý thức công dân khi tham gia mạng xã hội. Và, mặt khác cũng là một lưu ý cần thiết khi tiếp nhận thông tin cần có sự kiểm chứng, để không dễ bị cuốn theo.