Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội: 100% đối tượng khó khăn đột xuất được trợ giúp
Đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có lĩnh vực trợ giúp xã hội, là một trong những nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Xuất phát từ thực tế này Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” đã có nhiều giải pháp đột phá, trong đó coi trợ giúp xã hội là đầu tư phát triển.
Theo báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH), hiện nay số người cần trợ giúp xã hội trên cả nước rất lớn, khoảng 22,5 triệu người, chiếm 25% dân số. Trong đó có trên 10 triệu người cao tuổi không có lương hưu; 7,6 triệu người khuyến tật; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đó là chưa kể 2,9 triệu hộ nghèo và cận nghèo, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ cấp hằng tháng; khoảng 254.000 người nhiễm HIV/AIDS, hơn 200.000 người nghiện ma túy, 30.000 nạn nhân bạo hành gia đình và nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, xâm hại cần được bảo trợ xã hội.
Do đó việc phát triển trợ giúp xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng, nó không chỉ giúp ổn định an sinh xã hội mà còn là động lực để phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, do cách tiếp cận vẫn còn tư tưởng hỗ trợ nhân đạo, việc can thiệp, hỗ trợ chưa thực sự đồng bộ, trong khi vẫn chưa coi trợ giúp xã hội là đầu tư phát triển chính. Bởi vậy, công tác trợ giúp xã hội vẫn chưa đạt hiệu quả.
Xuất phát từ thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 488/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Với mục tiêu giai đoạn 2017 – 2020, 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; mở rộng người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số được hưởng trợ cấp xã hội. 50% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 10% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.
Đánh giá về việc triển khai Đề án tại Hội thảo tham vấn do Bộ LĐTBXH tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, đất nước ngày càng phát triển, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao. Thế nhưng, cùng với sự phát triển kinh tế, nhiều vấn đề xã hội bức xúc cũng nảy sinh, tỷ lệ đối tượng dễ bị tổn thương cần sự trợ giúp ở nước ta còn nhiều. Chính vì vậy, việc triển khai đề án là vấn đề cấp thiết và cần thiết.