Nỗi niềm trí thức trẻ
Sau 4 tháng kể từ ngày 44 trí thức trẻ (TTT) thuộc Đề án 01 của tỉnh Cà Mau, kết thúc hợp đồng lao động (HĐLĐ), Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau vừa có buổi gặp mặt 44 TTT trả lời một số khúc mắc, đồng thời chi trả các khoản trợ cấp sau khi cho họ nghỉ việc.
Các trí thức trẻ nhận trợ cấp thôi việc với nhiều tâm tư.
Tại buổi gặp mặt, ông Lê Minh Ý, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau thông tin: Trước đây, do nguồn cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế, nhận thấy nhu cầu chọn nguồn cán bộ có trình độ chuyên môn về công tác tại xã, phường, thị trấn là rất cần thiết. Vì vậy, tỉnh đã quyết định xây dựng, ban hành Đề án số 01. Tuy nhiên, từ năm 2015 trở lại đây, cơ chế chính sách, các quy định của Nhà nước có những thay đổi, nên đã gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, ông Ý cũng nhìn nhận những thiếu sót của Sở trong việc chậm trễ chấm dứt HĐLĐ và giải quyết các chế độ chính sách cho các TTT này. “Chúng tôi rút kinh nghiệm do có nhiều khó khăn, vướng mắc, cũng như việc có thông báo chậm trễ”, ông Ý thừa nhận.
Tại buổi họp mặt, các TTT tỏ ra vô cùng băn khoăn về việc những cống hiến và đóng góp của họ sau 5 năm lại quay lại con số 0; ngoài ra còn băn khoăn về việc thực hiện các chế độ chính sách của ngành chức năng. Đặc biệt, việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với các TTT này có tuân thủ theo Luật Lao động? Tại sao lại có sự bất nhất trong cách chi trả trợ cấp cho TTT ở 2 thời điểm khác nhau, thời điểm chấm dứt HĐLĐ là ngày 30/4/2018 (mức lương cơ sở là 1,3 triệu đồng) nhưng đến thời điểm chi trả trợ cấp là ngày 29/8/2018, (mức lương cơ sở đã tăng lên 1,39 triệu đồng) lại không được chi trả theo mức hiện hành? Tại sao họ không được nhận 50% trợ cấp lương theo quy định?...
Trả lời ý những câu hỏi trên của các TTT, ông Huỳnh Ngọc Sang, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau thừa nhận, quá trình làm việc của TTT được thực hiện theo đúng Luật Lao động. Tuy nhiên, Đề án số 01 là chính sách đặc thù của tỉnh Cà Mau, nên việc thực hiện ký kết hợp đồng lao động, phân công công việc, công tác tuyển chọn và thực hiện các chế độ chính sách đều tuân thủ theo Đề án số 01 và Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh Cà Mau.
Đối với ý kiến của các TTT về sự bất nhất trong cách chi trả trợ cấp, ông Sang khẳng định: “Không có sự bất nhất trong cách chi trả, đây là quyết định của UBND tỉnh Cà Mau. Việc chi trả 1,3 triệu hay 1,39 triệu đồng chúng tôi áp dụng vào thời điểm kết thúc HĐLĐ ngày 30/4, thời điểm đó lương cơ sở là 1,3 triệu đồng”.
Đối với bức xúc của các TTT về việc bị cắt 50% mức trợ cấp lương hằng tháng, ông Sang cho biết, việc hỗ trợ 50% lương hàng tháng là cách vận dụng riêng của tỉnh Cà Mau, việc chi trả này chỉ thực hiện trong thời gian thực hiện đề án. Sau khi kết thúc đề án thì khoản này không được hỗ trợ.
Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thị Xa, là TTT công tác tại xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi bức xúc nói, khoản phụ cấp ở xã nghèo, xã bãi ngang, ven biển trong năm 2016, đến nay chúng tôi vẫn chưa được nhận, giờ chúng tôi nghỉ làm ở xã, số tiền này liệu có được nhận hay không?
Nhiều TTT, tỏ ra bức xúc, cảm thấy bị bỏ rơi và cho rằng, liên hệ với xã thì xã yêu cầu lên hỏi đơn vị tuyển dụng. Sở Nội vụ lại yêu cầu họ liên hệ lại với xã để nhận. Trong khi đó, số tiền này chưa được chuyển xuống.
Trước đó, Báo Đại Đoàn Kết có bài về việc 40 trí thức trẻ Cà Mau sau 5 năm cống hiến sẽ về đâu? Phản ánh nhiều bức xúc của các TTT sau khi bị chấm dứt HĐLĐ nhưng vẫn chưa nhận được văn bản về việc chấm dứt HĐLĐ, chưa nhận được trợ cấp khiến họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn…