8 thói quen nấu có thể biến món ngon thành thảm họa
Nêm muối quá đà, vừa nấu vừa sơ chế... đều là những sai lầm dễ phạm phải khi bạn nấu ăn hằng ngày.
Ảnh: Leafly.
Dưới đây là những thói quen nấu nướng không khoa học mà chuyên gia chỉ ra, theo trang RD:
Ướp quá nhiều muối hay đường vào thực phẩm
Việc này có thể gây tổn hại cho sức khỏe. Hơn nữa, trong lúc nấu, bạn thường vẫn cho thêm gia vị nên vô tình làm tăng lượng muối trong món ăn, dần hình thành thói quen ăn quá mặn hoặc quá ngọt. Nên nêm muối lúc nấu để biết lượng bao nhiêu là đủ.
Đong nước nấu cơm theo cảm tính
Các nồi cơm điện hiện đại đều có chức năng định lượng nước/gạo sao cho hợp lý, nhằm đảm bảo gạo chín mềm, không bị khô hay nát. Vì thế, thay vì giữ thói quen tính lượng nước bằng mắt thường, bạn nên chuyển sang việc dùng cốc đong gạo, đo lượng nước tương ứng được ghi trên thành bên trong của nồi.
Không khuấy các món ninh, hầm
Các thực phẩm dưới đáy nồi có thể tạo thành một khối và bị sức nóng làm cho cháy, trong khi phía trên vẫn đầy nước. Vì thế, để tránh hiện tượng này, khi hầm hoặc nấu cháo, thi thoảng bạn nên đảo đều đồ trong nồi.
Không chuẩn bị trước các gia vị, nguyên liệu
Việc vừa nấu vừa chuẩn bị gia vị, nguyên liệu có thể làm hỏng bét món ăn, chẳng hạn khi bạn trễ vài phút chuẩn bị tỏi băm khiến nó cháy khét.
Luộc rau, củ, quả quá kỹ
Việc nấu các loại rau quá kỹ có thể khiến chúng bị nhũn, mất đi hương vị món ăn. Ngoài ra, lượng vitamin trong rau củ cũng bị giảm đáng kể.
Để nhiệt độ trong lò nướng/lò vi sóng quá cao
Bạn nghĩ như vậy sẽ làm thức ăn rã đông hoặc chín nhanh? Đó là sai lầm. Việc này có thể khiến thực phẩm chín ở ngoài nhưng bên trong vẫn đông đá hoặc sống.
Liên tục kiểm tra thức ăn trong lò vi sóng/lò nướng khi đang quay
Việc bạn sốt ruột mở lò ra rồi đóng vào sẽ khiến nhiệt độ bên trong thay đổi và có thể làm món ăn giảm độ ngon. Tốt nhất là nên đặt giờ phù hợp, tuân thủ việc chờ đợi, hoặc dùng cảm quan để quan sát món ăn qua cửa lò.
Đọc các hướng dẫn nấu ăn không cẩn thận hoặc "sáng tạo" với thực đơn
Món ăn có thể hỏng nếu bạn bỏ qua một chi tiết nhỏ nào đó. Ví dụ trong công thức ghi "một chén quả óc chó, băm nhỏ", nhưng bạn lại quên chữ "băm nhỏ" thì đã sai từ bước chế biến ban đầu. Tệ hơn, bạn tự ý cho một loại gia vị nào đó với suy nghĩ rằng nó ngon, nhưng nếu bạn không phải một đầu bếp có kinh nghiệm, nên dừng việc này lại.