Để chống tham nhũng không là 'khâu yếu, việc khó'
Trong cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích rất thấu đáo nguyên nhân dẫn đến những mặt được và những điểm còn hạn chế của công tác phòng chống tham nhũng.
Phối hợp nhịp nhàng
Theo như nhận xét của Tổng Bí thư, 5 năm qua, sở dĩ công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả là do sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, nề nếp, nhiều sáng tạo của Đảng và sự quyết tâm cao, đồng thuận lớn của cả hệ thống chính trị nên công tác phòng chống tham nhũng dù rất khó khăn nhưng đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Một trong những điểm mới của công tác phòng chống tham nhũng, nếu nhìn từ những vụ án đã và đang đưa ra xét xử công khai có thể thấy đó là, Ban Chỉ đạo đã chọn vụ việc để tập trung đấu tranh, bóc gỡ tham nhũng chứ không rải mành mành. Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc chủ đạo của Ban Chỉ đạo là chọn theo nguyên tắc làm bước nào chắc bước đó, dễ trước, khó sau, rõ đến đâu xử lý đến đó, kỷ luật Đảng trước, kỷ luật hành chính sau. Các bước, các khâu được làm chặt chẽ, các cơ quan chức năng phối hợp nhịp nhàng, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, không chồng chéo, “đúng vai, thuộc bài”. Nhiều bị cáo phát biểu sau các phiên tòa xử án tham nhũng đã bày tỏ sự tâm phục, khẩu phục về bản án. Điều đó càng chứng tỏ chúng ta đã ”điểm huyệt“ được những vụ án lớn, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm. Và dù làm rất quyết liệt nhưng vẫn giữ được ổn định, kết hợp xây và chống, ngăn chặn, phòng ngừa, mở đường cho đối tượng sửa chữa, tiến bộ, thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội...
Kết quả ấy càng thể hiện rõ hơn và càng giá trị hơn khi phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương nào, ngành nào và lúc nào cũng là “khâu yếu, việc khó”.
Nói đến kết quả, không thể không nói đến những vụ án mà Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo sát sao trong đó có, vụ án “Tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam; Vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land); Vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) liên quan việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank); Vụ án “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” xảy ra tại thành phố Đà Nẵng và một số địa phương; Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Công ty cổ phần phát triển, đầu tư Thái Sơn. Điều đó cho thấy, những vụ án đã được phát hiện trong quá trình làm mấy năm qua không phải là ít, quá trình giám định, điều tra đã được làm cẩn trọng.
Về thu hồi tài sản tham nhũng, có thể thấy nếu trước đây, nhiều thành viên Ban Chỉ đạo băn khoăn về khả năng thu hồi tài sản tham nhũng thì thời gian gần đây, điều đó cũng đã bước đầu được khắc phục. Đơn cử, vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG đã khắc phục số tiền trên 8.500 tỷ đồng; vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra ở Phú Thọ và một số địa phương bước đầu đã kê biên, thu giữ số tiền, tài sản trị giá hơn 1.400 tỷ đồng; các vụ án xảy ra tại PVC và PVN, bước đầu đã thu giữ hơn 65 tỷ đồng; vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm hiện cơ quan điều tra đã kê biên, phong tỏa số tiền, tài sản trị giá hơn 850 tỷ đồng…).
Duy trì cuộc đấu tranh chống tham nhũng
Nhìn lại 5 năm để thấy, Ban Chỉ đạo đã đưa một số vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ để tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm minh, với nguyên tắc: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Trong tổng số 68 vụ án, 57 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 40 vụ án/500 bị cáo, với các mức án nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn.
Phát biểu tại cuộc họp hôm 16/8, Tổng Bí thư lưu ý các thành viên Ban Chỉ đạo cần quan tâm đến “tâm trạng xã hội hiện nay là lo lắng và mong muốn làm sao phải duy trì và đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không được làm yếu đi mà phải tiếp tục cuộc chiến đấu này, còn gian khổ, lâu dài, và phải làm tốt hơn nữa”. Do đó, Tổng Bí thư tiếp tục nhấn mạnh việc cần tập trung khắc phục các điểm yếu, khâu yếu đã chỉ ra, đó là tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt”…; thực hiện tốt chương trình công tác năm 2018, chuẩn bị chu đáo chương trình công tác năm 2019 với tinh thần làm liên tục. Các cơ quan phải nắm chắc đang làm việc gì, việc nào làm trước, việc nào làm sau, bài bản nhằm đẩy mạnh và làm tốt công tác phòng chống tham nhũng hơn nữa.
Chính là với phương châm làm đến đâu chắc đến đó, mà chỉ trong 7 tháng đầu năm 2018, các cấp dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương đã tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật 235 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái; 30 đảng viên vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có 1 tổ chức Đảng và 14 đảng viên diện Trung ương quản lý; Tập trung chỉ đạo các cơ quan tố tụng Trung ương và địa phương đẩy nhanh tiến độ, kết luận điều tra 11 vụ/170 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ/112 bị can; đưa ra xét xử sơ thẩm 16 vụ/163 bị cáo; xét xử phúc thẩm 9 vụ/76 bị cáo. Đặc biệt, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời 05 vụ án tham nhũng, kinh tế rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Kết quả kê biên, thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đạt tỷ lệ cao.
Nhưng, để đạt được kết quả phòng chống tham nhũng một cách chắc chắn có lẽ vẫn cần tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tạo hành lang chính trị, pháp lý đồng bộ, chặt chẽ để phòng chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó cần tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, liêm chính, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ án, xử lý các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp về tham nhũng, kinh tế theo kế hoạch cùng với việc sửa đổi bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính- cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.