Ngày khai trường năm nay

Cẩm Thúy 04/09/2018 19:05

Trường học và gia đình là hai thành lũy cuối cùng bảo đảm an toàn cho các em trong một xã hội dù có nhiều tác động trái chiều. Các em phải được tận hưởng hạnh phúc ấy để sau này đến lượt mình, các em sẽ lo cho hạnh phúc cho thế hệ sau các em. Hạnh phúc của những ngày tới trường được bắt đầu bằng ngày khai giảng – ngày sẽ trở thành kỷ niệm đẹp chứ không phải là ngày mà các em cảm thấy phải chịu đựng cho xong.

Ngày khai trường năm nay

(Ảnh minh họa: Minh Hà).

Mùa tựu trường của học sinh năm nay đã diễn ra khi toàn ngành giáo dục vừa trải qua một cơn địa chấn. Quan chức dù ở cấp cao thế nào mà tham nhũng bị bắt, bị xử tù cũng là chuyện không xa lạ không phải chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Nhưng nhìn cảnh thầy cô tra tay vào còng vì sửa điểm thi của học sinh, thì quả thật, đã có một sự đổ vỡ rất lớn về niềm tin và đạo đức xã hội. Khi như một hiệu ứng dây chuyền, hàng loạt vụ việc làm sai lệch điểm thi được phát hiện ở một số tỉnh thành, tôi nghĩ đến hàng vạn thầy cô chân chính đang đứng trên bục giảng mỗi ngày. Họ biết nhìn vào mắt trẻ con thế nào, để nói với chúng về lòng trung thực trong học hành, thi cử.

Trong các sự khủng hoảng, khủng hoảng giáo dục luôn là nỗi đau đớn day dứt nhất. Dễ hiểu vì sao hàng loạt ý kiến chỉ trích được tung ra trên mạng xã hội. Và người ta vốn sẵn tâm trạng bức xúc, dễ dàng xổ toẹt cả nền giáo dục bằng những lời lẽ thậm tệ nhất. Dù phần lớn trong số chúng ta, đều từ nền giáo dục ấy mà ra và cũng phần lớn ấy đang tự nhận mình là những người tử tế.

Trong cơn địa chấn của điểm thi, người ta cũng đặt vấn đề xem xét lại Kỳ thi THPT Quốc gia. Lạ ở chỗ trong số những người đòi xóa bỏ cách thi này có cả những người trước đó nhiều năm kiên trì kiến nghị gộp 2 kỳ thi làm một…

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh 2 triệu đồng bào chết vì nạn đói 1945, thù trong giặc ngoài và 90% dân số mù chữ, vẫn nhìn ra việc phải làm cấp tốc ngay lúc đó là nâng cao dân trí. “Giặc dốt diệt. Việt Nam cường” – một khẩu hiệu trong những ngày bình dân học vụ còn nóng bỏng thời sự đến ngày nay. Nhắc lại để thấy, giáo dục – dù xã hội có biến đổi thế nào – vẫn quyết định sự hưng vong của một quốc gia. Ở đấy, không thể để những lề thói của xã hội xâm lấn. Ở đấy, cần một môi trường trong lành, vẫn mãi “mơn man” những kỷ niệm nuôi dưỡng tâm hồn và khí chất người Việt Nam trong thời đại mới.

Một nền giáo dục được xây đắp từ nhiều thế hệ, từ đội ngũ điệp trùng các thầy cô giáo. Một số cá nhân nào đó, dù làm những việc rất sai trái, rất phản giáo dục, cũng không phải là tất cả nền giáo dục. Nhưng họ lại đang làm suy giảm niềm tin nghiêm trọng, của xã hội và của các em, về hình ảnh người thầy.

Nên không hiểu sao, trước ngày khai trường năm nay, tôi cứ mong có một lời xin lỗi, của những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục, với đội ngũ các thầy cô chân chính vẫn đang ngày đêm dạy dỗ yêu thương học trò. Để họ không bị đánh đồng với những cái xấu của ngành, để họ ít nhất khi đứng trước học trò, vẫn xứng đáng gây dựng niềm tin cho các em, vun đắp cho tương lai của các em.

Tôi cũng mong trước mùa khai giảng năm nay có những bức thư gửi cho hàng triệu học sinh, thẳng thắn nói với các em về những sai lầm mà một số người nào đó đã phạm phải, nhưng xin các em hãy cứ tin rằng đó không phải là tất cả, rằng sự dối trá chỉ là một số ít ở đâu đó. Và mong các em vẫn đến trường bằng sự trung thực, để lớn lên.

Mỗi mùa khai trường đến, đối với rất nhiều người lớn đã từng trải qua tâm trạng “nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường” không thể nào không suy nghĩ về những việc rất xấu đã chui rất sâu vào chốn học đường, mà sẽ khiến cho trẻ con, vốn đã không còn náo nức với ngày khai giảng, càng nghĩ rằng học không phải là việc của các em, khi mà có thể làm sai lệch cả kết quả thi.

Trong ký ức mọi thế hệ người Việt Nam suốt gần trọn một thế kỷ qua, vẫn đọng đầy cảm xúc trước những câu văn đạt đến độ mẫu mực về ngày tựu trường của nhà văn Thanh Tịnh: "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như những đóa hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”.

Người ta có thể trách trẻ em vì sao không còn rung cảm trước những câu văn ấy nhưng làm sao các em có thể còn cảm giác tươi nguyên của buổi tựu trường khi mà từ trước ngày khai giảng hàng nửa tháng, ngày nào học sinh cũng đã đến trường để “tập” cho ngày khai giảng. Chưa kể là kỳ nghỉ hè không còn kéo dài 3 tháng, hoặc hè cũng tới trường học thêm, hoặc chương trình năm học đối với học sinh bậc trung học bây giờ bắt đầu từ giữa tháng 8.

Vào ngày khai giảng, thì đối với nhiều trẻ em, nhất là học sinh tiểu học, chúng hoàn toàn không hiểu nghĩa của những bài diễn văn dài dằng dặc mà chúng phải đội nắng để nghe. Lại càng chẳng hiểu vì sao các bác lãnh đạo chưa đến thì lễ chưa bắt đầu. Chủ thể của ngày khai trường dường như không phải là học sinh mà chính các em lại phải làm nền để “tôn vinh” người lớn, để người lớn tặng hoa nhau và chúc tụng nhau những lời hoa mỹ.

Chúng ta không nên và không thể kéo lùi lịch sử khi vẫn khăng khăng rằng đường đến trường của con hôm nay lại giống với ngày xưa. Không thể chỉ có một con đường làng của “buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp” hay đi học mà cơm không đủ ăn áo không đủ mặc. Nhiều học sinh hôm nay được đưa đến trường bằng xe hơi, chí ít là được chở bằng xe máy. Nhưng sự giàu có về vật chất không đi ngược lại với sự giàu có tinh thần. Không nên và không thể để tâm hồn học trò mỗi ngày mỗi nghèo nàn, cảm xúc mỗi ngày mỗi xơ cứng. Tương lai của một đất nước, của dân tộc phải được bồi dưỡng, bồi đắp từ hôm nay.

Có một nhà sư phạm đã nói rằng: Trường học và gia đình là hai thành lũy cuối cùng bảo đảm an toàn cho các em trong một xã hội dù có nhiều tác động trái chiều. Các em phải được tận hưởng hạnh phúc ấy để sau này đến lượt mình, các em sẽ lo cho hạnh phúc cho thế hệ sau các em. Hạnh phúc của những ngày tới trường được bắt đầu bằng ngày khai giảng – ngày sẽ trở thành kỷ niệm đẹp chứ không phải là ngày mà các em cảm thấy phải chịu đựng cho xong.

Dù thế nào thì vẫn mong ngày khai trường năm nay, vẫn là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời các em. Nơi những thầy cô gương mặt hiền từ đón các em vào lớp và vẹn nguyên trong lòng các em cảm xúc đầu tiên của năm học mới.

Cẩm Thúy