Hướng đi giảm nghèo bền vững - Bài 3: Đổi mới cơ chế hỗ trợ giảm nghèo
Tăng cường đổi mới về cơ chế, chính sách giảm nghèo để tiến tới giảm nghèo bền vững là một trong giải pháp trọng tâm được đặt ra trong giai đoạn 2016 -2020. Trong đó sẽ dần xóa bỏ chính sách hỗ trợ trực tiếp chuyển sang hỗ trợ gián tiếp. Cụ thể sẽ hỗ trợ giảm nghèo thông qua hoạt động đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng những mô hình giảm nghèo của người dân. Đây được đánh giá hướng đi phù hợp tuy nhiên làm thế nào để triển khai có hiệu quả không đơn giản.
Đổi mới về cơ chế để người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững
Cần “tiếp sức” để phát triển bền vững
Tại hội thảo chuyên đề Đổi mới chính sách hỗ trợ giảm nghèo thông qua hoạt động đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo do Bộ LĐTB&XH tổ chức mới đây nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra rằng, để thoát nghèo không khó nhưng để phát triển bền vững lại vô cùng khó. Nhất là với những người đi lên từ nội lực của chính mình.
Thực tế khi chia sẻ bài học thành công trong việc xây dựng mô hình HTX Hương Nhượng, chị Quách Thị Hòa cũng không giấu được nỗi trăn trở, làm sao để có thể “trụ” bền vững. “Dù hiện nay HTX Hương Nhượng đã phát triển ổn định nhưng để phát triển bền vững và mở rộng quy mô của HTX vẫn muôn vàn khó khăn vì chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định, thiếu vốn để mở rộng sản xuất” – chị Hòa chia sẻ.
Cũng theo chị Hòa, giờ dù nguồn vốn của HTX cũng khá ổn định mới tổng doanh thu gần 3 tỷ đồng thế nhưng nếu giữ mãi mức này thì cũng chỉ đủ giúp 26 hội viên trong HTX thoát nghèo về “ăn” chứ rất khó để giúp các hộ dân thực sự thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều mới. Mặc dù chia sẻ những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp nhưng khi được hỏi nguyện vọng muốn được hỗ trợ, chị Hòa thẳng thắn cho biết: Chúng tôi dù còn nhiều khó khăn nhưng không muốn nhận hỗ trợ trực tiếp mà cần cơ chế hỗ trợ gián tiếp thông qua các lớp học tập huấn, trợ giúp kỹ thuật cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản xuất.
Nói đến hướng hỗ trợ để người dân thoát nghèo bền vững đại diện đoàn kinh tế quốc phòng cũng thẳng thắn cho rằng, chúng ta đang nợ người dân 2 chữ “ bền vững”. Nếu chúng ta chỉ làm đơn độc một mô hình rất khó có thể đem lại kết quả giảm nghèo bền vững. Khi thực hiện giảm nghèo đa chiều thì phải có giải pháp đa chiều. Tức là không chỉ hỗ trợ người dân để hết nghèo về “ăn” mà song song đó phải có những chính sách trợ giúp về y tế, về điện, về đường. Chỉ khi thực hiện các giải pháp đồng bộ thì người dân mới có thể thoát nghèo bền vững.
Đổi mới tư duy trong thoát nghèo
Trên thực tế hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo là nội dung, nhiệm vụ xuyên suốt cả Chương trình MTQGGN bền vững giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ giảm nghèo chưa thực sự bền vững, đặc biệt là đối với vùng dân tộc và miền núi, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số tái nghèo hàng năm vẫn xảy ra; chênh lệch giàu - nghèo giữa vùng dân tộc thiểu số với các vùng, miền, nhóm dân cư khác vẫn còn khá lớn, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới; vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ, chưa thật sự tự giác, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng nguyên nhân do chính sách hỗ trợ giảm nghèo còn dàn trải, mức hỗ trợ thấp, một số phương thức hỗ trợ không còn phù hợp với thực tiễn, một bộ phận người nghèo còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa tích cực, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Từ thực trạng trên cho thấy, việc thay đổi tư duy trong triển khai các chính sách giảm nghèo là vấn đề cấp thiết hiện nay. Trong 20 năm qua việc triển khai chính sách giảm nghèo đã luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng và đầu tư. Chỉ tính riêng năm 2017, tổng kinh phí để thực hiện giảm nghèo cũng đạt khoảng 7.231 tỷ đồng. Với nguồn lực này đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước đã giảm xuống còn 6,72% Tuy nhiên, bên cạnh con số đó vẫn còn hiện hữu những con số nhiều trăn trở bởi vẫn còn có những địa phương còn có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%, cá biệt có những nơi hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ trên 70-80%. Những con số này cho thấy, đã đến lúc việc triển khai giảm nghèo cần có sự điều chỉnh và thay đổi trong cách làm.
Về vấn đề này đại diện Bộ LĐTB&XH cũng cho rằng, để phù hợp với yêu cầu thực tiễn của công tác giảm nghèo trong tình hình mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả hỗ trợ giảm nghèo, các đại biểu cho rằng, cần tăng cường và đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Trong đó ngoài các chính sách đảm bảo an sinh xã hội thường xuyên như hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi…
Ngoài ra, chương trình, chính sách giảm nghèo cần tạo trung hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo đẩy mạnh phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, theo hướng hạn chế hỗ trợ cho không, chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, có đối ứng khi tham gia thực hiện, có thời hạn thu hồi, luân chuyển giao cho cộng đồng đề xuất, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện