Ứng dụng công nghệ tái chế biến quần áo cũ thành mới tại Hồng Kông
Theo trang mạng skypost.ulifestyle.com.hk, ngày 3/9, Viện nghiên cứu Dệt May Hồng Kông (HKRITA) thông báo khai trương cửa hàng bán lẻ quần áo bảo vệ môi trường (G2G) đầu tiên ở Hồng Kông (Trung Quốc), tận dụng quần áo cũ tái chế thành những sản phẩm mới, tối đa trong vòng 4 giờ đồng hồ có thể biến quần áo cũ thành mới.
Quần áo tại cửa hàng G2G. (Nguồn: instagram.com)
Cửa hàng bán lẻ G2G do HKRITA thành lập được mở tại Trung tâm mua sắm The Mills, ứng dụng công nghệ tái chế do HKRITA phát triển, gồm hệ thống thu gom quần áo cũ và dựa trên quy trình sử dụng phương pháp thủy nhiệt để tách sợi cotton (sợi bông) và sợi polyester trong quần áo cũ để tái chế thành các sợi mới.
Giám đốc điều hành HKRITA - ông Cát Nghi Văn (Edwin Keh), cho biết cửa hàng G2G giống như xưởng may quần áo, trong đó thu gom quần áo cũ, thực hiện các khâu như khử trùng, cắt vụn, vuốt sợi, dệt 3D…, nhanh nhất trong vòng 4 giờ đến hai ngày có thể sản xuất ra quần áo mới.
Dự kiến mỗi ngày cửa hàng có thể sản xuất được sáu chiếc áo, cả hệ thống tiết kiệm được ít nhất 75% nguồn năng lượng so với quy trình sản xuất quần áo truyền thống.
Ông cũng cho biết tạm thời giá bán lẻ mỗi sản phẩm dao động từ 200 đến 800 HKD (tương đương 25-100 USD), chủ yếu là các mẫu cơ bản như áo len và áo phông.
Cùng ngày, Công ty dệt may Long Đạt (Novetex) nằm ở khu công nghiệp Tai Po cũng thông báo thành lập nhà máy dệt bảo vệ môi trường đầu tiên ở Hồng Kông, áp dụng công nghệ tương tự. Nhà máy sẽ lắp đặt ba dây chuyền sản xuất, dự kiến mỗi ngày có thể sản xuất tối đa 3 tấn sợi tái tạo.
Ông Dương Vỹ Hùng (Nicholas Yang Wei-hsiung) - Cục trưởng Cục sáng tạo và công nghệ Hồng Kông, cho biết hệ thống thu gom quay vòng quần áo cũ là mô hình thành công về thành quả nghiên cứu công nghệ.
Theo bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga - Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông, riêng năm 2016 đặc khu này đã vứt bỏ hơn 120.000 tấn sản phẩm dệt may. Công nghệ mới sẽ giúp tái chế đồ phế thải thành sản phẩm mới.
Bà cho biết trong thời gian tới chính quyền Hồng Kông sẽ tiếp tục cung cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật thích hợp… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới này.