Đồng chí Lê Mạnh Trinh- Nhà cách mạng tiền bối
Lê Mạnh Trinh sinh ngày 24/6/1896 tại làng Bộ Thượng, xã Hoàng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa trong một gia đình có truyền thống nho học.
Nhân dân miền Bắc nghe đọc Cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thời điểm tháng 9/1955. (Ảnh tư liệu: Bảo tàng lịch sử Quốc gia).
Lúc nhỏ, Lê Mạnh Trinh được người chú ruột là Lê Cận cưu mang, đem ra Nam Định nơi ông dạy học để nuôi dưỡng và kèm cặp.
Từ vùng quê hẻo lánh ra phố thị văn minh, được tiếp xúc với giới trí thức đương thời, lại vốn bất mãn với sự thống trị của thực dân Pháp, Lê Mạnh Trinh sớm đến với tư tưởng yêu nước của các phong trào Đông Du, Duy Tân...
Sau nhiều năm dùi mài kinh sử, tròn 20 tuổi Lê Mạnh Trinh đỗ kỳ thi Hương. Một năm sau, ông thi Hội nhưng không đậu. Theo truyền thống gia đình “Tiến vi quan, thoái vi sư”, ông mở lớp dạy học vừa để kiếm sống, vừa để học tiếp nhằm vinh thân.
Tháng 2/1926, ông quyết vào Sài Gòn để “mở mang tầm mắt”. Tại đây, ông đã gặp những nhà cách mạng nổi tiếng thời đó như: Phan Trọng Bình, Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Lợi và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc.
Giữa năm 1926, Lê Mạnh Trinh ở tuổi 30, được nhà cách mạng Phan Trọng Bình giới thiệu sang Quảng Châu Trung Quốc dự lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho thanh niên cách mạng đồng chí Hội do đồng chí Nguyễn Ái Quốc phụ trách. Kết thúc khóa học, ông được kết nạp vào Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và được phân công sang Thái Lan gây dựng cơ sở cách mạng trong bà con Việt kiều.
Năm 1927, Lê Mạnh Trinh được cử làm Bí thư Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở hải ngoại:
Để công tác vận động Việt kiều đạt kết quả, cần phải có tờ báo. Với nhận thức đó, ông làm đơn xin phép chính quyền sở tại cho phép xuất bản tờ Đồng Thanh, rồi tờ Thân Ái do ông làm Chủ nhiệm nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước trong bà con Việt kiều và cũng qua đó đào tạo, bồi dưỡng lực lượng nòng cốt trong công tác Việt kiều.
Tháng 4 năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương và trở thành một trong số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng ở Thái Lan.
Do có kẻ phản bội, đồng chí Lê Mạnh Trinh bị chính quyền nước sở tại bắt giam.
Không chịu khoanh tay chờ chết. Lê Mạnh Trinh, theo ông thuật lại, cũng như nhiều đồng chí cộng sản khác, ông đã biến nhà tù thành trường học. Mười năm trong tù, ông đã học và nói viết thành thạo tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Lào; ông đã giúp cho “anh em bạn tù” người Việt hiểu được lịch sử nước ta, đọc thông, viết thạo chữ Nho cũng như chữ Việt; đã giúp cho nhiều bạn tù người Thái nói, viết được tiếng Việt.
Đầu năm 1940 ra tù, ông mất liên lạc với tổ chức, phải tự thân vận động. Ông móc nối, gây dựng lại những cơ sở cũ trong Việt kiều, tổ chức đấu tranh chống lại bọn thân Nhật trong bà con ta và viết cuốn “Mặt nạ Cường Để” nhằm chống ảnh hưởng của phát xít Nhật; dịch bản Điều ước bất khả xâm phạm giữa Liên Xô với Đức để giúp Việt kiều Thái Lan khỏi hiểu sai về Liên Xô.
Đầu năm 1943, móc nối lại với tổ chức, ông được Trung ương phân công tiếp tục “bám trụ” ở Thái Lan và vẫn hoạt động trong phong trào Việt kiều.
Được bà con Việt kiều thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nên phong trào hướng về quê hương của Việt kiều phát triển mạnh; đội ngũ Việt kiều yêu nước trở về Tổ quốc tham gia chiến đấu ngày một nhiều, Thái Lan trở thành một cơ sở để các nhà cách mạng Việt Nam “lánh nạn mỗi khi bị kẻ địch lùng sục gắt gao”.
Do hoạt động cách mạng, nhà cầm quyền Thái Lan lại tiếp tục bắt giam ông thêm 3 lần tổng cộng là ba năm và hai lần trục xuất ông, một lần sang Trung Quốc, một lần sang Lào. Nhưng ông đều bí mật trở lại để tiếp tục hoạt động.
Sau Cách mạng tháng Tám, khoảng năm 1947, đồng chí Lê Mạnh Trinh được điều về nước, được bổ sung vào Khu ủy Liên khu 4, phụ trách công tác Việt Minh.
Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng họp tháng 1/1948 đã kiểm điểm một năm kháng chiến và đề ra khẩu hiệu “Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”. Điểm mới trong chủ trương là xác định rõ vị trí, vai trò, mối quan hệ giữa hai hình thức tổ chức Mặt trận.
Hội nghị khẳng định: Mặt trận dân tộc thống nhất chống Pháp lúc này phải là Hội Liên Việt, Việt Minh là bộ phận trụ cột trong Liên Việt và Hội là đội tiên phong, bộ tham mưu lãnh đạo cả mặt trận toàn dân. Muốn củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, phải phát triển Liên Việt và củng cố Việt Minh”.
Sau Hội nghị, đồng chí Lê Mạnh Trinh được Đảng cử sang chuyên trách công tác Mặt trận Liên Việt và tham gia Ủy ban Liên Việt toàn quốc cho đến năm 1955 khi Mặt trận Liên Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình là đoàn kết toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và Mặt trận dân tộc thống nhất trở thành một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân.
Tháng 9/1954, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết chỉ rõ những đặc điểm của cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong giai đoạn mới. Nghị quyết chỉ rõ phương hướng mở rộng Mặt trận lúc này là: “ra sức tranh thủ sự ủng hộ của công nhân, nông dân, trí thức cách mạng, không ngừng tranh thủ mọi lực lượng, có thể hợp tác để thực hiện một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi”.
Nghị quyết nhấn mạnh: Chiến tranh đã kết thúc song Mặt trận dân tộc thống nhất không thể co hẹp lại, mà phải mở rộng thêm; không chỉ mở rộng Mặt trận thống nhất đã có, mà còn phải tranh thủ sự cộng tác của các trí thức, của giai cấp tư sản cùng các nhân sĩ dân chủ và các thân sĩ yêu nước ở các vùng mới giải phóng.
Quán triệt chủ trương, phương hướng về Mặt trận dân tộc thống nhất trong giai đoạn mới của cách mạng, từ ngày 7 đến 11/1/1955, Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên việt toàn quốc đã họp tại Hà Nội để tổng kết, đánh giá việc thực hiện chủ trương, chính sách Mặt trận và hoạt động của Liên Việt từ sau ngày hòa bình lập lại và thảo luận những nét lớn về nội dung, phương hướng của Cương lĩnh Mặt trận trong giai đoạn tới.
Hội nghị đã quyết định thành lập Ban vận động chuẩn bị Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc gồm đại biểu trong và ngoài Mặt trận Liên Việt ở cả hai miền Nam – Bắc, đại biểu các tôn giáo, các dân tộc, các chính đảng, đoàn thể, các nhân sĩ dân chủ, các thân sĩ yêu nước.
Đồng chí Lê Mạnh Trinh – nhà cách mạng tiền bối được cử vào Ban vận động. Và Ban vận động cử vào bộ phận thường trực – có trách nhiệm chuẩn bị nhân sự, kế hoạch tiến hành Đại hội, nội dung, phương hướng của Cương lĩnh Mặt trận trong giai đoạn mới.
Sau một thời gian vận động, từ ngày 3 đến ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đã họp tại Hà Nội, tuyên bố thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhấn mạnh: Mặt trận Liên Việt đã làm tròn nhiệm vụ trong 10 năm qua và từ nay sẽ hòa mình trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đại hội đã bầu ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm 81 vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh được suy tôn làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận. Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp ngày 12/9/1955 đã bầu ra Đoàn Chủ tịch gồm 14 vị và Ban Thư ký gồm 7 vị, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đồng chí Lê Mạnh Trinh được Ban Bí thư điều sang đảm nhiệm trọng trách Phó giám đốc trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, rồi Phó trưởng ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương.
Tuy về danh nghĩa không tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, song trong công tác thường xuyên, đồng chí đã có những đóng góp to lớn vào phương hướng vận động Việt kiều và chính sách đối với Việt kiều ở Lào và Thái Lan. Đặc biệt, với cương vị Phó ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, đồng chí đã tạo điều kiện, đóng góp nhiều ý kiến vào việc hoàn thành và xuất bản cuốn sử đầu tiên về Mặt trận: Cuốn “Lược sử Mặt trận dân tộc thống nhất trong cách mạng Việt Nam”.
***
Đồng chí Lê Mạnh Trinh là người tiêu biểu cho thế hệ nhà nho Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác – Lênin và trở thành đảng viên thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng, đã một lòng, một dạ chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc, tự do hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí cũng là người cả đời gắn bó với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, với Mặt trận dân tộc thống nhất.