Thanh tra lao động không cần phải báo trước
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được đưa vào điều chỉnh trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Giải pháp này được kỳ vọng xử lý triệt để với những doanh nghiệp, người lao động không tuân thủ về an toàn vệ sinh lao động, từ đó góp phần hạn chế tình trạng tai nạn lao động.
Việc tăng quyền lực cho thanh tra lao động được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu hạn chế tai nạn lao động.
Đánh giá về công tác an toàn vệ sinh lao động, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, thời gian qua, công tác quản lý về an toàn lao động dù đã được tăng cường, các đơn vị sử dụng lao động cũng nâng cao ý thức trong đảm bảo an toàn cho người lao động, nhưng số vụ tai nạn lao động vẫn ở mức cao. Cụ thể, năm 2017 trên cả nước xảy ra gần 9.000 vụ tai nạn lao động khiến 928 người chết, 1.915 người bị thương nặng. So với năm 2016, số vụ tai nạn xảy ra trong năm 2017 ở khu vực có hợp đồng lao động tăng 2%, số người bị tai nạn lao động tăng hơn 1%, số vụ tai nạn lao động chết người, số người chết do tai nạn lao động giảm hơn 6%.
Nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn lao động là do sự chủ quan của chính người lao động, người sử dụng lao động (60% số vụ). Tai nạn xảy ra do người lao động không có, hoặc thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị không đảm bảo an toàn, không được huấn luyện hoặc huấn luyện thiếu về an toàn vệ sinh lao động; không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn vệ sinh lao động…
Thực tế trong thời gian qua, các hoạt động triển khai, phổ biến luật an toàn đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, tới cả khu vực không có quan hệ lao động. Các cơ chế, chính sách phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong khu vực có quan hệ lao động cũng được thúc đẩy thông qua các quy định hướng dẫn chi tiết về kiểm soát nguy cơ và rủi ro, về phòng ngừa rủi ro theo cơ chế bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Các hoạt động thống kê tai nạn lao động cũng được mở rộng tới khu vực không có quan hệ lao động. Tuy nhiên, hàng loạt bất cập trong công tác tuyên truyền an toàn vệ sinh lao động và phòng ngừa bệnh nghề nghiệp vẫn tồn tại chưa được khắc phục.
Thực tế cho thấy, nhằm xây dựng môi trường an toàn lao động trong quy định pháp lý về an toàn lao động, Bộ luật Lao động đã dành hẳn một chương (Chương IX) với 20 điều quy định về công tác ATLĐ cũng như các biện pháp về ATLĐ đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong mối quan hệ sử dụng lao động. Ngoài ra, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 cũng quy định rõ ràng, cụ thể về các biện pháp ATLĐ, cũng như trách nhiệm của người sử dụng lao động, cơ quan, doanh nghiệp trong công tác ATLĐ. Thế nhưng tình trạng nhờn luật vẫn diễn ra khá phổ biến.
Xuất phát từ thực tế trên, tại dự thảo Bộ luật Lao động quy định về thanh tra lao động đã được Bộ LĐTB&XH đề xuất sửa đổi theo hướng tăng quyền lực cho thanh tra lao động, theo đó việc thanh tra lao động sẽ không cần phải báo trước.
Theo quy định của Công ước 81 của Tổ chức lao động quốc tế thì thanh tra lao động có quyền vào thanh tra bất kỳ thời điểm nào mà không cần báo trước. Đây là quy định mang tính đặc thù của thanh tra lao động để phòng ngừa và bảo vệ sự xâm hại của người sử dụng lao động với người lao động tại nơi làm việc, bảo đảm phòng chống và xóa bỏ cưỡng bức lao động. Nếu tiến hành thanh tra mà thanh tra lao động phải thực hiện báo trước thì sẽ không đảm bảo hiệu quả, không bảo vệ các quyền cơ bản tại nơi làm việc của người lao động.
Nội dung này đã được Bộ luật Lao động năm 1994 quy định. Tuy nhiên trong quá trình soạn thảo Bộ luật Lao động năm 2012, quy định này đã bị lược bỏ để phù hợp với quy định của Luật Thanh tra năm 2010: thanh tra lao động khi tiến hành thanh tra sẽ phải báo trước với người sử dụng lao động.Tuy nhiên thực tế hoạt động thanh tra lao động, phát hiện và bảo vệ các quyền cơ bản tại nơi làm việc của người lao động chưa kịp thời; có doanh nghiệp còn chống đối, không hợp tác với thanh tra lao động. Do vậy, ở lần sửa đổi này, ban soạn thảo đề xuất khôi phục lại quy định về quyền của thanh tra được phép thanh tra, điều tra những nơi thuộc đối tượng, phạm vi thanh tra được giao bất cứ lúc nào mà không cần báo trước.