Đề xuất tăng phí trước bạ xe bán tải - áp lực cho khách Việt
Đề xuất thu phí trước bạ của xe bán tải bằng 60% mức thu xe con có thể khiến giá lăn bánh tăng lên hàng chục triệu đồng.
Bộ Tài chính vừa có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 140 của Chính phủ về cách tính lệ phí trước bạ đối với xe bán tải (pick-up), ôtô van theo hướng tăng. Trong đó, thay vì mức 2% như hiện nay, xe bán tải chở hàng và ôtô van có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1,5 tấn, 5 chỗ trở xuống sẽ phải đóng phí trước bạ lần đầu bằng 60% ôtô con (mức thu phí 10-15% giá xe tùy địa phương). Khi nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi, mức thu đề xuất là 2% giá xe và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Ví dụ một mẫu Ford Ranger giá 800 triệu, khách mua ở Hà Nội. Tính theo lệ phí trước bạ 2% như hiện nay, khách phải nộp 800x2% = 16 triệu.
Tính theo phương án mới, bằng 60% so với xe con (12% trước bạ tại Hà Nội), khách phải nộp là 800x12%x60% = 57,6 triệu.
Như vậy, với mức đề xuất lệ phí trước bạ áp dụng bằng 60% xe con, khách hàng tại Hà Nội phải chi thêm hơn 40 triệu đồng cho tiền lăn bánh một mẫu Ranger giá 800 triệu.
Một mẫu bán tải Chevrolet Colorado trên bãi biển Bình Thuận. Ảnh: VnExpress.
Nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua và áp dụng, chi phí lăn bánh của xe bán tải sẽ tăng lên hàng chục triệu đồng. Lợi thế ưu đãi về thuế nhập khẩu và phí trước bạ thấp của xe bán tải bị ảnh hưởng lớn.
"Đề xuất mới này khiến chi phí sở hữu xe bán tải tăng hàng chục triệu, không chỉ khách hàng mà các hãng xe đều bị ảnh hưởng", trưởng phòng bán hàng một hãng xe Nhật tại Việt Nam có phân phối dòng bán tải nhập khẩu Thái Lan, cho biết. "Người mua có thể chuyển hướng sang các dòng SUV cỡ C giá một tỷ nếu không quá đặt nặng vấn đề chở hàng, kinh doanh".
Theo vị này, chưa có số liệu thông kê, nhưng tại Việt Nam có thể đến 30% những người mua bán tải nhưng sử dụng như xe con, số còn lại vừa chở hàng vừa chở người. Những dòng xe Mỹ như Ford Ranger (634-925 triệu), Chevrolet Colorado (624-819 triệu) dẫn đầu thị trường. Tầm giá này tiệm cận với các mẫu đa dụng phân khúc C như Mazda CX-5 (899-1.019 triệu đồng), Honda CR-V (973-1.083 triệu).
Xe bán tải trong nhiều năm qua là phân khúc tăng trưởng nóng tại Việt Nam. Xu hướng thiết kế bóng bẩy, nhiều tính năng như xe con, vừa chở người vừa chở hàng kèm thuế, phí ưu đãi giúp dòng xe này bùng nổ.
Nguyễn Đạt, nhân viên bán hàng lâu năm của một đại lý xe thương hiệu Mỹ tại TP HCM cho rằng, việc tăng phí trước bạ có thể giảm thị phần của dòng xe này trên thị trường. "Nhưng với khách có nhu cầu thực sự, mua xe để kinh doanh chở hàng hóa, không cớ gì khiến họ chuyển sang dòng xe khác dù giá tăng vài chục triệu".
Nhu cầu sử dụng xe bán tải ở Việt Nam khá khác biệt so với Thái Lan. Bán tải ở Thái chủ yếu dùng cho chở hàng, vùng nông thôn, tầng lớp tiểu thương tiêu thụ rất mạnh xe bán tải vì mục đích kinh doanh.
Xe bán tải tiêu thụ nhiều ở Thái Lan ngoài việc người dân mua xe xác định rõ mục đích kinh doanh ban đầu, còn đến từ chính sách ưu đãi về thuế tính vào giá xe, cũng như các mẫu xe hầu như sản suất nội địa, không phải chịu thuế nhập khẩu. Người Thái chuộng Isuzu D-max hay Toyota Hilux hơn vì tính thực dụng, bền bỉ.
Trước khi có đề xuất tăng phí trước bạ của Bộ Tài chính, hồi tháng 6/2017, Bộ Công thương cũng từng đưa ra đề xuất điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, phí trước bạ đối với dòng xe bán tải, khiến người tiêu dùng thấp thỏm. Các chuyên gia cho rằng, động thái của cơ quan chức năng ngoài việc tăng thu ngân sách, còn hạn chế dòng xe bán tải hiện tăng trưởng nóng tại Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, lượng xe pick-up, gồm cả xe pick-up chở hàng và xe pick-up chở người (nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước) tăng theo từng năm. Riêng số lượng xe pick-up chở hàng có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ trở xuống (nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước) giai đoạn 2012-2017 như sau:
Năm 2012 là 3.305 chiếc, năm 2013 là 6.902 chiếc, năm 2014 là 10.961 chiếc, năm 2015 là 20.132 chiếc, năm 2016 là 28.091 chiếc, năm 2017 là 28.911 chiếc; bình quân khoảng 16.383 chiếc, chiếm khoảng 99,8% số lượng xe pick-up.