Tăng cường đầu tư cho khu vực nông nghiệp nông thôn

T.Hằng 07/09/2018 08:40

Việt Nam cũng như các nước trong khu vực vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Cụ thể như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt… trong đó, sản xuất nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng mạnh và rõ nét nhất.

Chính vì điều đó, giới chuyên gia cho rằng cần tăng cường đầu tư cho khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là đầu tư từ ngân sách nhà nước về cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, các yếu tố đầu vào, trợ giá.

“Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, đồng nghĩa với thu nhập của một bộ phận người dân sẽ ít được cải thiện hơn và người nghèo sẽ là nhóm dễ bị tổn thương hơn cả. Những vấn đề này đã, đang và sẽ đặt ra nhiều thách thức cho công tác giảm nghèo nói chung và hoạt động tín dụng nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo nói riêng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, nhận định.

Hôm 5/9 vừa qua, Ngân hàng chính sách xã hội phối hợp với Hiệp hội tín dụng Nông nghiệp nông thôn châu Á – Thái Bình Dương, Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế đã tổ chức Hội thảo “Những thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo: Kinh nghiệm của Việt Nam” tại Hà Nội.

Trong hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách và những thông lệ tài chính tốt nhất có thể giúp Việt Nam huy động và phân bổ sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả cho công cuộc tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp cũng như xóa đói, giảm nghèo. Cần tiếp tục thực hiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ (tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc) nhằm hỗ trợ vốn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Theo thống kê, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bình quân tăng khoảng 20%/năm, luôn cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 6/2018 dư nợ đạt trên 1.431.171 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế và tăng 9.2% so với cuối năm 2017. Chương trình tín dụng nông nghiệp, nông thôn đã góp phần tích cực trong phát triển xuất nông nghiệp, nông thôn và cải thiện, nâng cao đời sống nông dân.

T.Hằng