Viện KSND tối cao: Phát huy những cách làm hay trong phòng, chống tham nhũng
Ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đề nghị Ban Cán sự Đảng Viện KSND tối cao tiếp tục phát huy những cách làm hay để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Ông Phan Đình Trạc chúc mừng ông Nguyễn Huy Tiến và ông Nguyễn Văn Quảng vừa được Chủ tịch Nước Trần Đại Quang quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao.
Ngày 7/9, Đoàn kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương làm Trưởng đoàn, làm việc với Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc kiểm tra, đánh giá việc sơ kết 5 năm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Tham gia Đoàn công tác số 2 có ông Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Đoàn kiểm tra; thành viên Đoàn kiểm tra có các vị lãnh đạo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Công an và các Vụ chức năng thuộc Ban Nội chính Trung ương.
Về phía Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có ông Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm nhân dân tối cao; các Phó Viện trưởng và đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Báo cáo với Đoàn công tác cho thấy, trong 5 năm, toàn ngành kiểm sát tiến hành 2180 cuộc kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị trực thuộcViện Kiểm sát nhân dân tối cao, các viện kiểm sát nhân dân các cấp và tổ chức cơ sở đảng về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa; về công tác phát hiện qua kiểm tra, thanh tra vụ việc; về phát hiện, xử lý tham nhũng, sai phạm kinh tế thông qua công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức đảng; thông qua công tác tự kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện việc luân chuyển, biệt phái cán bộ để có điều kiện thực tế để phấn đấu; tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ và kiện toàn bộ lực lượng thanh tra của 63 tỉnh, thành phố đảm bảo về số lượng và chất lượng; đào tạo, tập huấn để nâng cao nghiệp vụ của cán bộ cơ quan điều tra.
Tổng số đơn thư tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về tham nhũng được ngành kiểm sát thụ lý, kiểm sát việc giải quyết là 1138 vụ việc; trong đó, Cơ quan điều tra và viện kiểm sát đã ra quyết định khởi tố 556 vụ án tham nhũng; ra quyết định khởi tố 344 vụ việc, trường hợp, chuyển xử lý khác 60 vụ việc, tạm đình chỉ 65 vụ việc, tỷ lệ giải quyết đạt 90%.
Toàn ngành đã khởi tố điều tra 8181 vụ/14.074 bị can; truy tố 6785 vụ/12.705 bị can; xét xử sơ thẩm 6.275 vụ/12.148 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, kinh tế; biệt phái Kiểm sát viên ở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố tại phiên toà xét xử sơ thẩm ở các địa phương; Ban Cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cáo đã bám sát các Thông báo Kết luận của Tổng Bí thu tại các Phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc điện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Tổng sô thụ lý 59 vụ án/649 bị can; đã kết thúc điều tra, truy tố và xét xử được 38 vụ/450 bị cáo. Trong đó, các cơ quan tố tụng đã khẩn trương đưa ra xét xử 08 vụ án trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Minh Trí, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng việc kiểm tra của Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là một dịp để Viện Kiểm sát nhân dân tối cao rà soát lại những công việc đã làm để thấy những việc đã làm được đồng thời phát hiệu, khắc phục những khó khăn vướng mắc trong việc kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố tại các phiên toà.
Thông qua đây cũng muốn kiến nghị với Trung ương hoàn thiện quy định về giám định tư pháp đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng; quy định về kê biên tài sản; Các đoàn kiểm tra, giám sát của Trung ương nên trung dụng thêm các chuyên gia ở các lĩnh vực tham gia để kết quả kiểm tra, giám sát được chính xác, trung thực, khách quan, công bằng đồng thời chọn lọc các đơn vị, địa phương có những vụ án tham nhũng, kinh tế điển hình để kiểm tra sâu, xử lý nghiêm, triệt để nhằm răn đe, tạo uy tín của Đảng, Nhà nước với nhân dân. .
Ông Phan Đình Trạc phát biểu kết luận Hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phan Đình Trạc, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đánh giá cao những kết quả mà Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã đạt được trong thời gian qua.
Ông Phan Đình Trạc đề nghị trong thời gian tới, Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động trong nội bộ ngành cũng như các hoạt động phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là với các vụ việc, vụ án Ban Chỉ đao Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; chú trọng công tác thu hồi tài sản tham nhũng; ngay từ khi khởi tố vụ án phải chủ động yêu cầu các cơ quan chức năng kê biên tài sản, ngăn chặn không để các đối tượng chuyển dịch tài sản ra nước ngoài; chỉ đạo các viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, toà án tham mưu cho Tỉnh uỷ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phúc tạp ở địa phương đáp ứng yêu cầu chính trị cũng như sự tin tưởng của người dân; tiếp tục phát huy những cách làm hay để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng.