Vườn di sản ASEAN Kon Ka Kinh
Nằm ở phía đông bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku khoảng 50km, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có diện tích 41.780ha lâu nay đã trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng, rất thích hợp với các du khách tới đây nghỉ ngơi, an dưỡng và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, với sự đa dạng sinh học cao, tháng 12/2003, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh được công nhận là Vườn di sản ASEAN.
1. Vườn quốc gia Kon Ka Kinh nằm trong thung lũng sông Ba có độ cao từ 570m - 1.748 m, thuộc các huyện: KBang, Đắk Đoa và Mang Yang. Nơi đây có nền khí hậu mát mẻ quanh năm với nhiệt độ trung bình 18 - 20oC.
Năm 1986, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh được đưa vào danh sách Các khu rừng đặc dụng nhằm bảo tồn rừng á nhiệt đới núi cao với các loài hạt trần. Năm 1999, Viện Điều tra qui hoạch rừng (FIPI) kết hợp với Tổ chức Chim quốc tế xây dựng dự án đầu tư thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh và dự án này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt. Ngày 25/11/2002, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh chính thức được chuyển đổi thành Vườn quốc gia Kon Ka Kinh với diện tích là 41.780ha theo Quyết định số 167/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo các chuyên gia, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh chủ yếu là rừng nguyên sinh với các kiểu thảm thực vật rừng chính bao gồm: Kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp và kiểu rừng kín hỗn giao lá kim và lá rộng, chứa rất nhiều pơ mu; kiểu rừng này chỉ thấy duy nhất ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh.
Do đặc điểm đa dạng về địa hình, khí hậu và một số yếu tố khác hình thành nên rừng, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có một hệ thực vật rừng rất phong phú; nơi đây là điểm hội tụ các luồng thực vật như: Luồng thực vật thuộc khu hệ Bắc Việt Nam bao gồm các loài cây thuộc họ đậu, dâu tằm, na, giẻ, thầu dầu và mộc lan...; Luồng thực vật thuộc khu hệ Vân Nam - Quý Châu và chân dãy núi Himalaya bao gồm các loài cây lá kim của ngành phụ hạt trần như: thông nàng, hoàng đàn giả, kim giao, pơ mu...; Luồng thực vật thuộc khu hệ Malayxia - Indonexia bao gồm các loài cây thuộc họ dầu như: chò chai, chò đen, chò chỉ, cẩm; Luồng thực vật Ấn Độ - Mianma bao gồm một số loài cây thuộc họ bàng như: choại; họ tử vi như: bằng lăng ổi... Bên cạnh đó, còn có một số loài đặc hữu như: bọ nẹt trung bộ, du moóc, hoa khế, hoàng thảo vạch đỏ, gõ đỏ, lọng hiệp, trắc, thông đà lạt, xoay, song bột và một số loài quý hiếm khác được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới.
2. Bên cạnh một hệ thực vật rừng phong phú, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh còn có một hệ động vật rừng đặc hữu cho cả Việt Nam và Đông Dương, bao gồm: 5 loài thú lớn như: vượn má hung, voọc vá chân xám, hổ, mang Trường Sơn và mang lớn. 7 loài chim như: khướu đầu đen, khướu mỏ dài, khướu Kon Ka Kinh - loài mới được phát hiện cho khoa học trong vòng 30 năm trở lại đây ở khu vực châu Á, khướu đầu xám, trèo cây mỏ vàng, gà lôi vằn và thày chùa đít đỏ. 4 loài thuộc lớp bò sát ếch nhái: thằn lằn buôn lưới, thằn lằn đuôi đỏ, chàng Sapa, ếch gai sần.
Ngoài những loài đặc hữu trên; hệ động, vật rừng ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh còn khoảng 38 loài thú quý hiếm khác; có giá trị bảo tồn nguồn gien, nghiên cứu khoa học và được ghi trong cả sách đỏ Việt Nam lẫn thế giới.
Ngoài sự đa dạng và phong phú của hệ động, thực vật rừng; Vườn quốc gia Kon Ka Kinh còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lưu vực đầu nguồn của các con sông lớn như: sông Ba và Sông Đak Pne, cung cấp nước tưới tiêu cho hàng ngàn hécta cà phê, hồ tiêu, đất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho các huyện của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Hơn thế nữa, phía tây của Vườn quốc gia là một phần lưu vực của thuỷ điện Ya Ly.
3. Vườn quốc gia Kon Ka Kinh không chỉ được biết đến là một khu vực ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học của cả Việt Nam, trong khu vực và quốc tế mà nơi đây còn là một điểm du lịch sinh thái, hấp dẫn các du khách tới đây nghỉ ngơi, an dưỡng và nghiên cứu khoa học.
Chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh cũng là sở thích của nhiều người. Đỉnh Kon Ka Kinh cao 1.748m, được ví là nóc nhà của Gia Lai. Đứng trên đỉnh Kon Ka Kinh nhìn xuống, du khách có thể cảm nhận hết được sự hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn, được tận hưởng một bầu không khí trong lành, mát mẻ và dường như cảnh đẹp nơi đây đang trải dài như vô tận trước mắt của du khách: Những ngọn núi với mây mù bao phủ, những dòng thác đổ từ trên cao tung bọt trắng xóa và tiếng hót của muôn loài chim đang gọi bạn tìm nhau...
Phát hành bộ tem “Động vật Vườn quốc gia Kon Ka Kinh” Ngày 18/8, tại thành phố Pleiku, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với tỉnh Gia Lai phát hành bộ tem “Động vật Vườn quốc gia Kon Ka Kinh” và khai mạc triển lãm Tem Bưu chính Miền Trung – Tây Nguyên lần thứ V, năm 2018. Bộ tem gồm 4 mẫu tem và 1 block tem miêu tả những hình ảnh thực về các loại động vật đặc hữu của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, như chim Khướu Kon Ka Kinh, loài bò sát Ô rô, loài thú Mang Trường Sơn, côn trùng Ve sầu đầu dài đen. Cùng với đó, block tem thể hiện không gian thiên nhiên thực tế gắn kết 4 loài động vật của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh với ngọn tháp và núi rừng Gia Lai, tạo nên một cảnh sắc thiên nhiên sống động và huyền ảo. Việc phát hành bộ tem “Động vật Vườn quốc gia Kon Ka Kinh” nhằm giới thiệu đến đông đảo du khách trong và ngoài nước về sự đa dạng, phong phú của hệ động, thực vật rừng tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch và đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo tồn, phát triển các loài động vật hoang dã quý hiếm của vùng đất Bắc Tây Nguyên. Xuân Thành |